Rau tập tàng, còn đâu...

Thuở đói kém người dân phải ăn một số loài rau “hạ đẳng” cầm hơi qua ngày. Mấy năm trước, sau nhiều đợt lũ ào ạt và rét đậm, rau cỏ khan hiếm đắt đỏ, những loài rau quen thuộc như khoai lang, đọt bí lúc bán đều được tính từng ngọn, và ở chợ xuất hiện các loài rau “lạ”; thậm chí ở vài góc chợ thành phố, người phong lưu vẫn mua về ăn phần sợ rau sạch bị phun hóa chất, hay ăn như sự nhớ về một thời kham khổ...

Hồi nhỏ tôi có dịp về Quảng Trị ở lại trong một gia đình bà con. Cuộc sống những năm 1990 đã khổ lắm, vào vùng đất khô hanh gió Lào càng cơ cực bội phần.

Nhà họ có hai chị em ngày nào cũng lên đồng mót khoai, bới khoai mụt bằng ngón tay về xa sạch vỏ nấu lên ăn với rau trừ bữa. Tôi được nếm mùi vị của vô số loại rau, như rau tàu bay, rau chiếu, rau trai, rau cỏ hôi, rau rìu, rau éo, rau mương, rau lù lù... (những loại rau này ở vùng đất khác có thể gọi bằng tên khác). Rau tàu bay nhiều và non nhất ở những chỗ vừa bị đốt xong. Những loại rau khác mọc ở ruộng, rau lù lù mọc ở bờ mương; lúc ăn đều phải luộc lên, vắt khô nước. Dạo đó ruốc rất đắt, nên phải kho ruốc thật lỏng để chấm rau ăn với khoai thay cơm.

Rau tập tàng, còn đâu... - 1

Cỏ trai là món ăn của người nghèo một thời chưa xa. Ảnh: Nhụy Nguyên

Vào đại học cách mươi năm trước, tôi thuê nhà ở vùng nông thôn xa trường. Về chiều, tôi cầm đúa hái rau tập tàng trong vườn. Có rất nhiều loại chủ yếu mọc hoang và có thể được chủ nhà trồng bao nhiêu năm trước đó hoặc do chim chóc mang hạt giống từ nơi khác đến; gồm rau bát bát (loại cây có quả bằng ngón chân cái, chín màu đỏ, ăn ngòn ngọt chua chua), rau càng cua (loại tự mọc nơi râm mát), rau dền hoang, rau mùng tơi, lá lốt,... Nhen bếp, tôi cho dầu vào xoong tao hành vàng hươm thơm phức. Để rau giữ được màu xanh và không bị nhừ, nước vừa sôi tôi thả mì cua trước mới cho rau vào, liền nhắc xuống nêm đồ màu; múc ra ăn với quả ớt xanh, thật hả dạ thỏa lòng.

Rau tập tàng, còn đâu... - 2

 Hoa nghê. Ảnh: Nhụy Nguyên

Lùi thêm năm tháng, hồi còn học cấp hai, rau khoai đầy đồng song gặp thời đói kém, xóm làng quy định khoai ai nhà nấy hái; tôi đi học về trưa mấy cũng phải xách rổ lên đồng hái rau.

Rau vơi dần, gia đình thường cải thiện bằng món côộc chuối và gốc cây đu đủ: nạo sợi nhỏ, bóp theo kiểu làm nộm với lá chanh, hầu như không có mỡ. Gốc đu đủ ngon hơn song hại dạ dày vì mủ chứa chất a xít. Vậy mà giờ hai món này trở thành đặc sản đắt đỏ trong nhà hàng khách sạn.

Khoảng từ năm 1990 trở đi, cuộc sống đỡ hơn, nhà tôi nuôi ba con vịt trắng. Có trứng, mỗi bữa mẹ tôi bác một quả trong cái chảo lớn để cả nhà bảy người cùng ăn với cơm, thêm dưa cà mắm muối. Có lần do nhà dột, vại cà thấm nước mưa bị thối, màu không trắng mà đen. Lại có năm không hiểu sao vại cà của mẹ muối mùi vị ngon ngon là lạ. Cứ ăn mãi. Một bận thò tay vào vét và, tôi lôi lên xác một con rắn hổ bị ướp cứng đờ. Té ra thấy vại sạch, chú rắn chui vào ngủ nhờ; mẹ tôi đổ cà vào muối chừng chập tối nên không thấy, thật tội…

Có lẽ thời giờ, người giàu chú trọng tới món rau thơm, rau sống hơn là rau ăn canh. Tôi có thằng hàng xóm thật vui. Nó làm ở khách sạn ca đêm, sớm mới cà phê về đã qua cù rủ... Ngày nọ tôi được gọi qua nhà nó nhậu, mồi mả trông qua chẳng gì đặc biệt. Quý là ở đĩa rau sống nó bỏ công sưu tầm khắp xóm. Gồm: lá sung non, đọt mưng (lộc vừng, hái ở chậu cảnh), đọt ngải cứu, đọt cây thuốc hồng ngọc (loại tim tím), đọt đinh lăng, lá non của cây hoa bông thọ…

Dĩa rau sống như thế thì quả thực tôi chưa thấy bao giờ. Buổi ấy là một sáng trời liu riu mưa và lạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN