Quế - không chỉ là gia vị!
Quế vừa là vị thuốc quí, một gia vị ngon, vừa có công dụng làm đẹp rất hay.
Nếu trầm được ví như loại cây quý giá, khó tìm nhất chốn rừng thiêng thì quế lại là nàng tiên nữ dịu dàng, sống được ở nhiều nơi khác nhau, chịu được thời tiết khắc nghiệt, chiều lòng người trên khắp thế giới.
Từ xưa quế đã là một trong 4 vị thuốc quý, tứ bảo của đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Ngày nay, quế và bột quế càng được sử dụng nhiều hơn, không chỉ trong đông y mà còn là nguyên liệu và gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn hấp dẫn.
Hương núi rừng
Quế được trồng ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, quế được chia nhiều loại và trồng ở khắp các vùng miền trên đất nước. Phổ biến nhất là giống quế thanh, quế quỳ mọc hoang và trồng nhiều dọc dãy Trường Sơn từ bắc Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh tới Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một cây quế trung bình cho 30kg quế tố và 10g quế thường. Việc bóc vỏ quế tiến hành vào các tháng 4-5 và 9-10 hàng năm, thời điểm này quế nhiều nhựa, dễ bóc. Quế hái xong chưa thể dùng ngay mà phải đem ủ mới có hương thơm và vị cay nồng đặc trưng. Công đoạn đầu tiên là ngâm quế một ngày qua nước lạnh, sau đó rửa sạch, để khô, cho vào lá chuối khô buộc chặt rồi cho vào hũ đậy kỹ. Mùa hè ủ khoảng 3 ngày, mùa lạnh 7 ngày, khi thấy hơi nước bốc lên là quế vừa chín. Công đoạn cuối cùng trước khi nếm thử là lấy quế ra ngâm nước 1 giờ rồi cho ép giữa phên nứa đến khô. Để bảo quản, cần quấn quế vào vải, cho vào ống kẽm dưới có mật ong để giữ độ ẩm vừa, như vậy quế không bị khô dầu và bảo vệ được hương vị.
Từ xưa quế đã là một trong 4 vị thuốc quý, tứ bảo của đông y: sâm, nhung, quế, phụ
Đa dụng quế
Chứa nhiều vitamin và khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm, magiê, vitamin A, niacin…, ngoài ra còn giàu chất xơ và chất chống oxy hóa nên từ xưa, quế đã được dùng làm vị thuốc quý trong đông y. Vỏ quế đã được nghiền nát thành bột hoặc mài từng chút một cho vào nước đun sôi, để nguội uống sẽ giúp chữa bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, kích thích sự tuần hoàn máu, lưu thông huyết mạch. Khi tiết trời lạnh, uống nước quế nóng cũng giúp cơ thể ấm hơn, tăng sức đề kháng trong cái lạnh buốt giá.
Trong ẩm thực, quế cũng được sử dụng nhiều cho các món ngọt và món mặn. Vị thơm, cay và ngọt của quế giúp khử bớt mùi tanh, gây của cá, thịt, làm cho món ăn có hương vị hấp dẫn hơn, kích thích hệ tiêu hóa. Với trẻ nhỏ, các món ăn có mùi từ quế cũng rất được khuyến khích để bé tập làm quen với gia vị. Khi nấu súp, cháo thịt gà, bạn có thể thêm một miếng quế nhỏ hoặc bột quế vừa để thay đổi khẩu vị cho bé vừa giúp trẻ phòng tránh tiêu chảy và chống vi khuẩn.
Quế cũng là nguyên liệu chính để làm bánh. Tại Nhật, vào dịp Tết, lễ hội không thể thiếu bánh Yatshuhashi với thành phần chính là bột nếp, đậu đỏ, bột quế, đậu nâu, đậu tương. Dược xem là một trong những món ăn được yêu thích của Mỹ, món bánh táo với lớp vỏ giòn bùi, kết hợp với nhân táo mềm mại cùng vị quế thơm lừng cũng khiến những người “hảo ngọt” mê đắm.
Quế là nguyên liệu và gia vị không thể thiếu của nhiều món ăn hấp dẫn
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến công dụng của quế trong việc làm đẹp. Bột quế có thể giúp giảm mụn. Một chút mật ong hòa với bột quế đặt lên chỗ có mụn từ 15-20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm, làm nhiều lần sẽ giúp cải thiện tình trạng mụn. Hay thoa lên môi ướt ít bột quế, mat-xa vài phút rồi rửa lại bằng nước sạch, môi sẽ giữ được sự mềm mịn. Mái tóc cần sự chăm sóc cầu kỳ hơn một chút, ủ tóc 4 – 5 giờ bằng hỗn hợp mật ong, nước, dầu ô-liu và bột quế liên tục trong khoảng 1 tuần sẽ thấy tóc bóng mượt, khỏe hơn.
Và cho dẫu bạn không biết rằng quế nhiều công dụng, chỉ đơn giản là nhấm nháp một miếng quế thơm, bạn sẽ thấy hương cay đó sao mà lưu luyến. Đó phải chăng cũng là sức hấp dẫn đặc biệt của quế, để giữa bao nhiêu là nguyên liệu quý, quế vẫn được ưa chuộng.