Qua rồi thời ăn bánh nhiều màu sắc, giờ đen tuyền mới là hot trend
Dùng than tre, nước mực con mực, tro bếp... để tạo ra những chiếc bánh đen tuyền, bắt mắt đang là tâm điểm được các tín đồ ẩm thực trên thế giới hưởng ứng.
Sau những trào lưu ăn đồ có màu xanh dương, bảy sắc cầu vồng... thì giờ đây trên mạng xã hội thế giới, những món ăn có màu đen tuyền huyền bí đã giành được sự chú ý của công chúng.
Bánh màu đen bây giờ mới là mốt sang chảnh của các tín đồ ẩm thực thế giới.
Nhật Bản là quốc gia đầu tiên sử dụng tinh than tre trong nấu nước. Tinh than tre Nhật Bản (Takesumi) là một loại phụ gia thực phẩm an toàn, được sử dụng trong ẩm thực để tạo màu sắc và mùi vi tự nhiên cho món ăn, không độc hại, không có lưu ý giới hạn về liều lượng hấp thu của con người. Tinh than tre được chứng minh là nguồn dinh dưỡng tốt, chủ yếu là canxi, phốt pho và sắt, có tác dụng giải độc tố rất cao và hiện khá được ưa chuộng trong ẩm thực hiện đại.
Hãy cùng điểm lại những món ăn màu đen đang "làm mưa làm gió" hiện nay:
Kem đen: Từng sóng kem óng ả, đen nhánh trở nên hấp dẫn, thu hút hơn nhiều là chiếc kem màu sắc bình thường.
Bánh bao kim sa đen: Cũng như các loại bánh bao kim sa khác tuy nhiên món bánh này lại có một màu đen tuyền đặc trưng nhờ sử dụng một loại bột than hoạt tính để tạo màu.
Bánh nhỏ, tròn đáng yêu, lớp bánh bóng mịn, bên trong là dòng sữa trứng muối béo béo mặn mặn ăn cực thích.
Bánh bông lan đen: Nhờ sự kết hợp của màu đen huyền bí, sự phá cách của món bánh này có khả năng thu hút rất nhiều thực khách đặc biệt là những cô nàng luôn có nhu cầu tìm tòi cái mới lạ trong ẩm thực.
Phần bánh xốp mịn hòa cùng lớp kem ngọt béo vừa phải giúp món bánh có một hương vị riêng biệt không lẫn vào đâu được.
Bánh burger đen, Nhật Bản. Đây là loại bánh burger đặc biệt tại thị trường Nhật Bản của cửa hàng bán đồ ăn nhanh nổi tiếng thế giới Burger King. Những chiếc bánh burger này có màu đen hết sức độc đáo, được làm từ than tre và nước mực của con mực.
Cả phần vỏ bánh, phô mai và nước sốt đều có màu đen tuyền. Bánh mì và phô mai lấy màu từ than tre còn phần nước sốt tỏi được chế biến từ mực của con mực tươi. Màu đen khiến loại bánh burger này trở nên nổi bật hơn.
Pizza đen: Chiếc pizza này sẽ "đánh lừa" bạn vì tưởng rằng nó bị nướng cháy khét lẹt nhưng thực chất là đầu bếp đã sử dụng bột màu đen của than tre để chế biến.
Waffle đen: Nếu những chiếc bánh waffle truyền thống có màu vàng ươm bắt mắt thì giờ đây, người ta đã biến tấu thành màu đen và hương vị của chúng vẫn cực thơm ngon.
Những chiếc bánh mềm mịn, nóng hổi, kết hợp cùng sốt trứng muối béo mặn, vị đậm đà đảm bảo sẽ khiến bạn phải “ngất ngây” ngay lần đầu thưởng thức.
Mì Ý đen: Mỳ spaghetti đen cũng khá được ưa chuộng dù màu sắc không mấy "dịu dàng".
Không kém cạnh thế giới, Việt Nam mới đây cũng xuất hiện loại bánh mì đen ở Quảng Ninh. Trên mạng xã hội dân tình liên tục chia sẻ loạt hình ảnh về một loại bánh mì độc đáo với lớp vỏ và ruột màu đen, khiến ai thoạt nhìn cũng lầm tưởng là cục than.
Trái ngược với vẻ ngoài đen xì là phần nhân nhiều màu sắc và đầy ú ụ. Những chiếc bánh mì này đang được bán tại Quảng Ninh với sáu loại nhân khác nhau: chả mực, cua bể, xíu mại tôm, heo quay, bò nướng phô mai và gà nướng. Mỗi ổ bánh mì có giá từ 20.000 đồng - 45.000 đồng.
Không phải mới đây, Việt Nam từ xưa đã có nhiều loại bánh truyền thống có màu đen được nhiều người ưa thích.
Bánh gai đen và bánh ít lá gai: Bánh gai là món bánh đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám. Chiếc bánh được làm từ bột nếp, nhân đậu xanh dừa nhưng lá gai mới chính là linh hồn của chiếc bánh.
Vỏ bánh có màu đen độc đáo là màu của lá cây gai được phơi khô, luộc kỹ, giã nhỏ trộn cùng bột gạo nếp. Lá gai trước khi đem giã sẽ được luộc thật nhừ. Luộc càng lâu thì bánh càng dẻo, mịn. Chiếc bánh gai ngon phải dẻo, mịn, có mùi thơm của lá gai, gạo nếp, vị ngọt của mật, béo của đậu và dừa, vị bùi của vài hạt vừng lẫn bên trong.
Bánh ít lá gai lại là đặc sản nổi tiếng ở miền Nam Trung Bộ. Có cách làm gần giống như bánh gai, bánh ít lá gai được gói trong lá chuối xanh thành hình nón có kích thước rất nhỏ.
Bánh chưng đen là một đặc sản của một số dân tộc ở vùng cao Việt Nam. Bánh được làm từ gạo nếp hương, nhân bánh là đỗ xanh đượm hành, mỡ, hạt tiêu, thịt và được bao bọc bởi lá dong rừng. Để tạo màu đen cho bánh, có nhiều cách.
Người Nùng ở vùng cao người Si Ma Cai, Lào Cai thì lấy thân cây núc nác, người Tày ở Lạng Sơn chọn những cọng rơm nếp. Đem phơi khô rồi đốt thành tro, vò mịn, rây lấy phần mịn nhất của tro nếp rồi trộn với gạo sao cho hạt gạo tròn mẩy được bao bọc bởi màu đen tro mịn.
Điều đặc biệt là bánh chưng đen ăn không bị nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường vì tro nếp đã khử mùi chua, độ nóng của gạo nếp...Ảnh: Internet.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng một loại rau nhưng số phận của nó thực sự quá khác biệt. Tuy vậy, hiện nay nó vẫn được một số nơi ở Trung Quốc...