Phở khô Gia Lai - gọi một được hai

Lần đầu tiên theo nhỏ bạn về chơi nhà nó ở tỉnh Gia Lai, chúng tôi phải bắt xe đò từ TP HCM lên TP Pleiku, rồi bắt thêm một chuyến xe buýt để về huyện nhà của bạn.

Hơn 5 giờ 30 phút, xe thả chúng tôi xuống bến xe khách Pleiku trong cái giá rét của buổi sớm Tây Nguyên. Tám giờ mới có chuyến xe buýt chạy về huyện nhà nhỏ bạn, nó bèn rủ: "Để khỏi mệt mỏi chờ đợi, tao dắt mày đi thưởng thức đặc sản Gia Lai ngay và luôn nhé".

Nó gọi xe ôm chở hai đứa đến quán phở khô Hồng trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TP Pleiku. Trời còn chưa sáng nhưng quán đã có nhiều khách rồi.

Ngồi xuống bàn, nhỏ bạn gọi "2 tô đặc biệt". Khi nhân viên quán mang đồ ăn lên, tôi ngạc nhiên khi thấy với "2 tô" mà nhỏ bạn gọi, họ bê ra tới 4 tô, 2 đĩa, 2 chén, chưa kể thêm chén ớt xắt. Nhỏ bạn nhìn tôi cười cười: "Ngạc nhiên chứ gì? Phở khô ở đây, gọi 1 được 2 đó mày". Thì ra là như thế, 1 phần phở khô gồm 1 tô phở khô, 1 tô nước lèo, 1 chén tương đen, ngoài ra là một dĩa giá đỗ, một dĩa rau sống.

Phở khô Gia Lai - gọi một được hai - 1

Nhìn sợi phở khô có vẻ giống sợi hủ tiếu, nhân có ông chủ quán đang đứng cạnh đó, tôi bèn hỏi thì được ông vui vẻ giảng giải: "Nhìn giống sợi hủ tiếu vậy thôi chứ nó không phải hủ tiếu đâu nhé. Sợi phở khô được làm hoàn toàn bằng bột gạo. Gạo được vo sạch, ngâm, đem xay nhuyễn rồi tráng thành bánh và đưa qua cắt sợi. Vì hoàn toàn là bột gạo nên khi chần qua nước vẫn dai và thơm chứ không bị nhũn hay dính cục lại với nhau".

Thấy tôi gật gù tỏ vẻ đã hiểu, ông nói thêm: "Gọi phở khô luôn phải chờ lâu hơn phở truyền thống, vì chúng tôi phải để một chút cho sợi phở sau khi chần nước sôi được khô lại một chút nó mới đạt độ dai phù hợp, ăn mới ngon".

Lúc này, mùi thơm ngậy của tô nước lèo bốc khói đã làm tôi chảy nước miếng. Đến lượt nhỏ bạn hướng dẫn: "Nước lèo là nước xương hầm nhé. Phở khô gà thì thịt gà xé để riêng nhưng tao gọi tô đặc biệt nên gà được xé luôn vào tô phở, còn nước lèo có thịt bò ở trong đấy. À, có cả thịt heo bằm trộn sẵn trong tô phở khô rồi đó".

Theo hướng dẫn của nhỏ bạn, tôi bỏ giá, ngắt rau thơm bỏ vào tô phở khô, trộn cùng tương đen cho vừa ăn. Gắp một miếng phở, cảm nhận vị thơm ngon của rau tươi, sự dai dai của sợi phở, vị béo ngậy của tóp mỡ cùng thịt heo bằm, rồi chiêu một muỗng nước lèo ngọt thanh. Thật kỳ diệu làm sao trước sự phối hợp tuyệt diệu giữa thịt bò sần sật, thị gà xé dai ngọt và thịt heo bằm béo ngậy với vị đậm đà của tương đen - nghe nói được nấu ủ rất kỳ công và là vị đặc trưng của riêng từng quán.

Tôi say sưa thưởng thức món phở đặc biệt của vùng đất Tây Nguyên, ăn xong vẫn còn thòm thèm nhưng không thể ăn thêm vì quá no, bởi tô phở khô không hề nhỏ và tô nước lèo cũng không hề ít.

Nhiều năm về sau, đã thêm rất nhiều lần đến Gia Lai, có cả công tác, có cả đi chơi nhưng không lần nào tôi đến Gia Lai mà không thưởng thức món ăn dân dã mà ngon tuyệt vời này. 

Bún thang lươn: Món đặc sản Hưng Yên không chỉ ngon còn tốt như thang thuốc quý

Bún thang lươn được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên. Bún thang lươn là sự kết hợp của màu sắc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bài và ảnh: Sinh Tống ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN