"Phát nghiện" với những đặc sản ăn mãi không chán ở Hà Tĩnh
Nếu một lần dừng chân tại nơi đây, bạn sẽ "phát cuồng" bởi hương vị thơm ngon của kẹo cu đơ, gỏi cá đục, ram bánh ướt...
Kẹo cu đơ
Đặc sản không thể thiếu khi làm quà. Kẹo cu đơ có hình tròn như chiếc gương, nhìn bề ngoài thô ráp và sần sùi nhưng lại rất thơm, có vị đậm đà của mật mía, thơm cay cay của gừng tươi, cái giòn tan của lạc và bánh tráng vừng. Miếng bánh vừa dai, vừa ngọt, vừa thơm lại cay nhẹ... ăn rất ngon.
Gỏi cá đục
Những con cá đục dài khoảng 13 - 18cm, thân to hơn ngón tay cái, có hình dạng tương tự loài cá bống nước ngọt. Cá đục có thể chế biến được rất nhiều món ngon vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có. Ăn gỏi cá đục phải ăn kèm rau thơm và các loại lá sung, lá đinh lăng, lá xoài non… cùng với xoài xanh, khế chua, chuối xanh thái lát mỏng. Khi ăn dùng bánh đa nem cuộn rau với cá, bạn sẽ cảm nhận được vị béo của cá, vị cay, vị chua lẫn vị thanh thanh, ngọt ngọt.
Ram bánh mướt
Ram bánh mướt là sự kết hợp hài hoà giữa hai loại bánh cuốn và bánh mướt để tạo ra một món ăn vừa giản dị vừa tinh tế. Bánh mướt đơn giản chỉ cần chấm mắm, thường được ăn kèm với chả. Cuốn ram với bánh mướt chấm nước mắm tỏi ớt rồi ăn, ta sẽ thấy hương vị không thể chê vào đâu được.
Bưởi Phúc Trạch
Bưởi có dạng hình cầu tròn, nhỏ xinh, khi ăn vào có vị thanh chua rồi ngọt, thơm nhẹ tự nhiên. Thịt bưởi có màu hồng nhạt hoặc màu trắng trông rất đẹp mắt. Bưởi Phúc Trạch tự hào là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm của cả nước.
Hến sông La
Hến là món ăn quá đổi quen thuộc với người dân Hà Tĩnh. Từ hến có thể chế biến ra nhiều món ăn để thay đổi hương vị cho bữa cơm thường ngày như hến xào ăn kèm bánh tráng, canh hến nấu rau muống. Hến có một hương thơm đặc trưng quyến rũ, vị béo ăn không ngấy.
Bún bò Đức Thọ
Tuy không nổi tiếng và vang danh như bún bò Huế nhưng bún bò ở đây cũng mang một hương vị và sắc thái riêng. Nước dùng được hầm từ xương ống, đuôi bò. Trong quá trình chế biến nước dùng, người đầu bếp phải rất tỉ mỉ, xương phải rửa thật sạch cho đến khi hết máu còn dính lại, thường xuyên gạn bỏ bọt trên nồi nước hầm xương để màu nước dùng luôn được trong, thịt bò được thái hơi dày sẽ mềm và ngọt hơn khi ăn. Hành lá, lá mùi tàu, nước mắm ớt, tỏi dầm, tiêu, thêm một tí chanh và đủ vị của một tô bún bò.
Hồng Đông Lộ và hồng Tiếng
Hồng Đông Lộ có quả hình vuông, màu xanh cam hoặc vàng, ruột màu vàng, khi chín ăn vừa ngọt, vừa thơm. Hồng Tiến Nghi Xuân (dùng để cung tiến vua ngày xưa nên gọi là hồng Tiến) khi chín có màu sẫm rất đẹp, mọng, vỏ mỏng (dân địa phương gọi là hồng trứng), ăn mềm ngọt mát và thơm. Cả hai loại hồng đều chín từ cuối hè cho đến hết thu và cũng là hai trong số những loại trái cây nổi tiếng ở đất Hà Tĩnh.
Giản dị mà tinh tế, dân dã mà đậm đà là những từ mà du khách sẽ cảm nhận được khi thử đặc sản ở đây.