Ở nơi xứ xa nhớ bánh giò quê hương

Sự kiện: Món ngon mỗi ngày

Trong bộn bề cảm xúc và nôn nao nỗi nhớ, tất cả những người tha hương cùng mang một tâm sự viễn xứ như tôi, gặm nhấm nỗi nhớ quê khi nhìn chung quanh trắng xóa những tuyết là tuyết, giữa cái lạnh thấu xương càng nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ bạn bè lại thấy thèm một tấm bánh giò nóng hôi hổi, ngầy ngậy, thơm ngon quê nhà.

Người dân quê tôi xuất thân từ những gia đình nghèo, chân chất, đời thường, suốt năm suốt tháng lam lũ công việc đồng áng. Tuổi thơ tôi cũng đã lớn lên qua bao mùa lam lũ nơi miền quê xưa.

Cả một quãng dài thời thơ ấu của tôi gắn với chiếc bánh gói do chính bàn tay nội làm ra, những chiếc bánh quê bình dị dân dã nhưng được gói cẩn thận và chất chứa đầy tình yêu thương của mọi người trong gia đình. Nhất là của Nội mỗi khi chăm chút từng li từng tý từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến từng chiếc lá, sợi lạt làm nên một món quà quê bình dân quen thuộc.

Ở nơi xứ xa nhớ bánh giò quê hương - 1

 Chiếc bánh xanh màu lá chuối

Ngày ấy ! miền Trung quê tôi nhiều gian nan vất vả, những năm hạn hạn mất mùa, nhiều gia đình cuộc sống rất khó khăn, tiền bạc hiếm hoi nhưng bù lại những năm mưa thuận gió hoà trúng mùa lúa gạo dư giả ăn không hết, người dân quê có đó đem bán mà trang trải cuộc sống cũng đỡ cơ cực phần nào.

Sẵn có gạo là nguyên liệu chính làm nên nhiều loại bánh, như bánh ướt, bánh đúc, bánh bèo, bánh xèo, bánh gói… những lúc rảnh rỗi hoặc khi trời mưa dầm gió bấc không thể ra đồng làm việc, các bà nội trợ, các mẹ các chị lại đem gạo ra xay bột, tranh thủ làm nhiều loại bánh cho cả nhà cùng thưởng thức.

Ở nơi xứ xa nhớ bánh giò quê hương - 2

 Bánh giò vừa hấp chín 

Còn nhớ lúc Nội tôi còn sinh thời, bánh gói là món mà nội tôi thích nhất nên cả nhà cứ được ăn bánh này thường xuyên, tuy những chiếc bánh nội gói hình dáng không đồng đều và đẹp mắt cho lắm. Nhưng chính hương vị tuyệt vời từ những chiếc bánh này, thực sự là một đặc sản làng quê mà mãi cho đến bây giờ tôi không bao giờ quên được, không riêng gì chị em tôi “hảo” món bánh này, mà “nó” còn làm cho biết bao nhiêu người “phải lòng” trong khi bên cạnh đó, ở làng quê còn biết bao nhiêu món ngon dân dã khác.

Thông thường cứ vào mỗi chiều cuối tuần là nội lại xúc một “mớ” gạo chừng vài kg đem vò sạch rồi đổ nước vào ngâm vài giờ cho mềm sau đó bỏ vào cối đá xay mịn. Cho vào mấy muỗng canh dầu phụng thứ thiệt, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê bột nêm, một thìa cà phê bột ngọt, bắc lên bếp và khuấy đều với lửa nhỏ. Khuấy đến khi bột sánh đặc lại làm chín khoảng 80% là nội tắt bếp, múc từng “môi” dàn đều ra mặt lá đã được xếp sẵn, cho nhân vào giữa rồi gói kín, dùng lạt buộc lại cho chặt. Công đoạn này cần làm thật nhanh tay vì bột khi đã nguội sẽ khó gói và bánh không đạt chất lượng tốt nhất.

Ở nơi xứ xa nhớ bánh giò quê hương - 3

 Phần nhân bên trong bánh

Những hôm dự định làm bánh, trước lúc mẹ đi chợ, nội không quên dặn mẹ mua mấy lạng thịt dăm làm nhân, lá chuối sẵn có trong vườn nội giao cho mấy chị em tôi rọc lá, phơi héo sau đó lấy khăn ướt lau thật sạch để sẵn. Nấm mèo ngâm mềm nội thái nhỏ, thịt nạc dăm băm nhỏ ướp với tiêu, hạt nêm, đường, muối. Phi thơm tỏi, cho hành tây, hành tím, tỏi bằm vào xào với thịt nạc đã ướp, thịt chín cho nấm mèo vào đảo thêm mấy lượt nhắc xuống để nguội.

Những ngày chay tịnh, nội chỉ dùng dầu phộng xào với nấm rơm, mộc nhỉ và hành lá làm nhân thay thế cho thịt cũng rất ngon. Chị em tôi ăn đến no nê mới thôi. Mẹ tôi lại làm khác hơn nội một tý, nhân bánh mẹ không xử lý cho chín trước mà để sống, rồi được chín cùng với vỏ bánh khi đem hấp. Để rồi bao nhiêu cái ngon, cái ngọt trong nhân bánh tiết ra được ủ kín trong lớp vỏ bánh, khi ăn cảm nhận ngon đến tận chân răng đầu lưỡi, cũng là một “sáng tạo” rất hay.

Ở nơi xứ xa nhớ bánh giò quê hương - 4

 

Bánh giò thể hiện sự độc đáo của văn hóa ẩm thực làng quê, bánh được làm ra từ nơi thôn dã, từ bàn tay của những người phụ nữ quê nghèo, chịu thương chịu khó đảm đang và tháo vát. Đậm chất ẩm thực quê, hương vị quê nhưng dễ ăn lại ngon và bổ dưỡng, rất tốt cho hệ tiêu hóa, thích hợp nhất với người già, trẻ nhỏ ưa dùng.

Vẫn biết văn hóa ẩm thực vùng miền là những món ăn đặc biệt rất riêng của từng địa phương, là những món ăn độc đáo mang tính đặc trưng, nhưng theo thời gian, những món ăn ngon càng lâu càng được tích lũy nhiều kinh nghiệm, đầy sáng tạo và có sự biến thiên, giao hòa … từ đó làm nên món bánh mỗi ngày một ngon hơn và chất lượng hơn mà nhiều nơi quen gọi là “Bánh giò”. Riêng ở quê tôi ai cũng gọi loại bánh này bằng cái tên mộc mạc “Bánh gói” bởi sự bình dị hết sức chân quê.

Với cuộc sống hiện đại ngày nay. Có lẽ, chỉ những ai sinh ra và lớn lên nơi làng quê nghèo thì ký ức tuổi thơ mới luôn hiện hữu trong tâm trí và sống động hơn nhiều, sẽ nhớ mãi cái rét ngọt buốt của đất trời, làn gió nhẹ nhàng mang mùi vị của quê nhà với khói bếp, rơm rạ, nhưng lòng vẫn cứ lâng lâng vui sướng cảm giác háo hức ngồi đợi nồi bánh chín để được đụng tay vào những chiếc bánh gói nóng hổi núng nính mềm mại như một khối thạch.

Ở nơi phương trời Tây, xa quê hương nửa vòng trái đất nhưng lúc nào lòng tôi cũng ấp ủ một ngày không xa, được về thăm lại quê hương, sống trong vòng tay ấm áp yêu thương của những người ruột thịt và nhất là thưởng thức đầy đủ những hương vị quê nhà cho bỏ “thèm thuồng” những ngày xa cách.

Ở xứ sở này, cuộc sống đầy đủ hơn gấp nhiều lần ở miền Trung quê tôi, những chiếc bánh giò do người Việt định cư ở nước ngoài làm bán, nhân nhiều hơn vỏ bánh ăn cũng khá ngon, nhưng sao tôi vẫn thấy thiêu thiếu một cái gì đó vừa không thơm, không đậm đà như chiếc bánh nội gói hồi tôi còn ở quê nhà, có lẽ những chiếc bánh này gói bằng giấy bạc, nên không có mùi thơm đặc trưng của lá chuối, hay vì bánh này không phải do nội tôi gói nên tôi không thích chăng ?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Nhân (Dân Việt)
Món ngon mỗi ngày Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN