Những thực phẩm vàng rất cần ăn trong mùa Tết
Mùa Tết cỗ bàn, tiệc tùng liên miên khiến cả người lớn và trẻ em dễ mắc chứng đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi… và đây là những thực phẩm vàng rất cần các bà nội trợ đưa vào mâm cơm gia đình ngày Tết.
Tết đến, đi đâu cũng gặp cỗ bàn, tiệc tùng… việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt hàng ngày khiến cơ thể nhiều người không kịp thích ứng. Đã thế ngày Tết lại ăn nhiều chất đạm, chất béo, bột đường – nhưng lại ăn ít đi nhóm rau và hoa quả - là nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu, đau bụng, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
Việc nhồi nhét quá nhiều thức ăn, đồ uống ngon miệng, tăng vị giác mùa Tết là "kẻ thù" của hệ tiêu hóa (như đạm, béo, thịt, giò, chả, nem… đồ chiên, quay và một số thức uống có cồn như bia, rượu…) gây đầy bụng khó tiêu, có khi còn gây đau bụng, tiêu chảy, rối loạn, suy yếu hệ tiêu hóa, các vấn đề về tim mạch…
Thịt đông trên mâm cơm Tết cổ truyền làm từ chân giò, bì lợn, tai lợn… ninh nhừ cùng mộc nhĩ cùng các gia vị rất được ưa chuộng vì giàu đạm nhưng không gây ngán, ngấy. Nhưng món hấp dẫn đó lại có rất nhiều cholesterol xấu, ăn nhiều và không đúng cách có thể tác động xấu tới rối loạn chuyển hóa.
Tóm lại là ngày Tết chúng ta đày đọa hệ tiêu hóa với nhiều món ăn giàu năng lượng, uống nhiều rượu bia... nhất là người lớn tuổi có bệnh nền, trẻ em, bệnh có thể tiến triển âm thầm, hoặc diễn tiến cấp tính có thể dẫn tới nguy hiểm cho tính mạng.
Món ăn chống đầy bụng khó tiêu
- Cần tây: trong các loại rau xanh thì cần tây được dùng nhiều để cải thiện tình trạng đầy bụng khó tiêu. Loại rau này dễ ăn, thơm giòn, nhiều dưỡng chất, có thế chế biến cùng món ăn, hay làm nước ẹp uống. Khi vào cơ thể cần tây góp phần kiểm soát lượng khí đường ruột, giảm ứ dịch, và có khả năng giải độc, thải các độc tố ra khỏi cơ thể.
- Bạc hà: là thứ rau gia vị mát có mùi dễ chịu, được coi như một loại thuốc tự nhiên dễ dàng phát huy tác dụng chống khó tiêu, đầy bụng.
- Dưa chuột: thanh mát, rất thích hợp để làm đồ chống ngán, đầy bụng, khó tiêu.
- Măng tây: được coi là "siêu thực phẩm" chống đầy hơi, loại bỏ độc tố, lợi tiểu và, giúp vi khuẩn "tốt" trong đường ruột phát triển, giảm sự gia tăng khí trong dạ dày và giảm chứng đầy bụng.
- Đu đủ: chuyển hóa hết thức ăn để không gây đầy bụng (nhưng người bị bệnh dạ dày phải tránh ăn).
- Sữa chua: giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại gây đầy hơi.
- Hạt tiêu đen: tiêu hóa thức ăn dễ dàng, loại bỏ thức ăn, khí hơi lưu lại ở dạ dày, tránh được chướng bụng.
Ngoài ra ngày Tết muốn giữ gìn sức khỏe cần đảm bảo nguyên tắc đủ và cân đối. Lỡ ăn thả ga các món chiên, xào thì bạn cần phải "bù" lại lượng rau xanh hợp lý để cung cấp chất xơ cho cơ thể.
Dưa hành: cay, nóng, ấm rất tốt cho hệ tiêu hóa, giảm thiểu tình trạng đầy bụng khó tiêu khi ăn quá nhiều đồ có dầu, mỡ ngày Tết. Bí kíp ăn món thịt đông ngon muốn không tăng cân thì từ xưa các cụ đã dạy nên ăn kèm dưa chua, hành muối, kim chi muối cay, và các loại rau xanh.
Sau khi ăn các món ăn giàu đạm, nhiều béo thì nên ăn trái cây tráng miệng ít đường, hoặc một số loại trái cây có thể hấp thu chất béo (như mận, táo, đu đủ... giàu chất xơ, vitamin C và axit tự nhiên giúp thúc đẩy chuyển hóa chất béo và protein trong thức ăn).
Các loại rau củ quả nên ưu tiên trong mâm cơm mùa Tết.
Các món rau củ "chống ngán" ngày Tết
Chị em có thể trổ tài làm các món ăn thanh đạm để cả nhà chống ngán, ưu tiên các loại rau củ quả luộc như cải chíp luộc, mướp nhật luộc chấm muối vừng, các loại rau củ tổng hợp như súp lơ, su hào, cà rốt, dưa chuột, giá đỗ, củ cải... có tác dụng chống ngán ngày Tết rất hiệu quả, dễ làm, không tốn thời gian.
Hoặc biến tấu luộc thành các món hấp từ súp lơ xanh, súp lơ trắng, rau cải, cà rốt, đậu que, bí đao, bắp cải, củ cải… rồi chấm với nước tương, nước mắm, chao hoặc kho quẹt để món ăn ngon hơn, giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, không gây béo phì. Lưu ý món hấp không nên dùng các loại xửng hấp bằng nhựa (vì nhựa không chịu được nhiệt, có thể gây ra độc tố có hại cho sức khỏe).
Hoặc chế biến các loại rau củ thành các món salad rau củ, dưa giá, dưa góp, dưa muối giòn ngon... trong mâm cơm ngày Tết sẽ rất tốt cho người thân chống đầy bụng khó tiêu, đỡ ngán, thanh lọc và cân bằng dinh dưỡng, và quan trọng là không tốn thời gian chế biến của chị em.
Các món nước rau củ ép như nước ép cà chua, nước chanh, nước ép cà rốt... cũng rất tốt cho cơ thể ngày Tết.
Một số món ăn có thể làm trước được để tới Tết chỉ việc bỏ ra ăn rất ngon miệng như gỏi cuốn tôm thịt, bắp bò ngâm mắm chua ngọt, miến gà trộn, bò ngâm nước tương, thịt lợn ba chỉ cuốn rau củ, dạ dày trộn chua cay, gỏi tai lợn trộn dưa chuột, chân gà ngâm sả tắc, canh bí đỏ thịt băm, cháo dưa leo, canh mộc nhĩ táo đỏ... vừa ngon vừa giúp chống ngán ngày Món dưa món, củ kiệu có thể ăn kèm với bất cứ món ăn ngày Tết nào như bánh chưng, bánh tét, giò thủ, thịt, cá...
Rau cải chíp luộc
Nguyên liệu: Rau cải: 400g; gừng: 1 nhánh; một chút muối
Cách làm: Bắc nồi nước lên bếp đun sôi, nêm thêm chút muối ăn cho rau xanh. Sau đó cho rau cải vào, đậy vung luộc khoảng 8 phút thì cho gừng đập giập vào rồi vớt ra đĩa, dàn mỏng cho rau nhanh nguội và giữ được màu xanh.
Mướp nhật luộc chấm muối vừng
Nguyên liệu: Mướp nhật: 400gr; muối vừng; sấu
Cách làm: Mướp Nhật rửa sạch, bổ đôi quả. Đun nước sôi cho mướp Nhật vào rồi văn lửa to cho sôi trào lên khoảng 4 phút là chín thì vớt ra đĩa. Nước luộc mướp cho chút hạt nêm và sấu vào đun tiếp, nêm vừa ăn. Mướp Nhật luộc chấm cùng với muối vừng, hay nước mắm đều rất ngon.
Món hoa thiên lý nấu giò sống
Nguyên liệu: Giò sống và gia vị.
- Hoa thiên lý rửa sạch, chú ý ngâm nước và rửa nhiều lần để lỡ có kiến nấp trong nhụy hoa chui hết ra. Nhặt bớt cuống hoa già và những bông hoa úa.
- Đun sôi nước, lấy thìa nhỏ xúc giò sống thành từng viên rồi thả vào nồi (nhớ nhúng thìa vào nước, hoặc dầu ăn để không bị dính thìa). Nước sôi thì nêm mắm muối vừa ăn, rồi thả hoa thiên lý vào, sôi lại tắt bếp là xong.
Dưa giá đỗ
Giá đỗ, cà rốt và lá hẹ. sơ chế sạch. Cà rốt thái sợi. Thêm chút ớt, tỏi, muối, đường và dấm pha theo khẩu vị yêu thích là có món ngon ngày tết chua chua đậm vị ngon miệng.
Bắp cải muối chua
Làm giống dưa giá đỗ ăn ngon miệng, có thể trộn thêm thịt hoặc tôm mà không sợ bị tăng cân.
Nộm giò bê có vị chua nhẹ của chanh, vị ngọt, mặn hài hòa và đặc biệt là mùi thơm của cần tây rất đặc biệt.
Nguồn: [Link nguồn]