Những thực phẩm không nên cho vào nồi nấu chậm
Một số thực phẩm nấu bằng nồi nấu chậm có thể gây hại sức khỏe, trong khi một số khác lại không ngon.
Nồi nấu chậm là thiết bị nấu chín và hầm thức ăn trong khoảng thời gian dài (3-8 tiếng) ở nhiệt độ thấp, khoảng 75 - 135 độ C. Lòng nồi được làm từ gốm không tạo ra các chất độc hại, an toàn cho sức khỏe người dùng. Nồi nấu chậm làm chín thực phẩm bằng cách giữ nhiệt ở đáy nồi, sau đó truyền nhiệt lên thành nồi để làm nóng và làm chín thức ăn.
Vì những ưu điểm này mà nồi nấu chậm đang được nhiều người nội trợ ưa chuộng nhưng có những loại thực phẩm hoàn toàn không phù hợp với kiểu nấu nhiệt lượng thấp.
Đậu (đỗ)
Đậu là thành phần chính trong nhiều công thức nấu chậm được yêu thích. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo không nên cho đậu khô hoặc sống vào nồi nấu chậm nếu không chế biến đúng cách trước.
Theo cơ quan này, đậu chứa độc tố lectin và nồi nấu chậm không đủ nhiệt để phân hủy chúng, dễ gây buồn nôn, tiêu chảy. Đậu thận có nồng độ lectin cao nhất, khiến chúng trở thành thực phẩm nguy hiểm nếu ăn mà không chế biến đúng cách.
Vì vậy, khi đổ đậu vào nồi nấu chậm, bạn cần phân hủy các chất độc trước. FDA trích dẫn một số nghiên cứu của Anh cho biết đậu nên được ngâm trong nước ít nhất năm giờ. Sau đó, người nấu phải thay bằng nước sạch và đun sôi đậu trong tối thiểu 30 phút. Sau khi quá trình này hoàn tất, bạn có thể cho đậu vào nồi nấu chậm.
Cá
Hầu hết các loại cá không giữ được độ ngon khi nấu chậm. "Cá mềm thường bị quá chín hoặc dai sau nhiều giờ ninh ở nhiệt độ thấp", Lindsey Chastain, người sáng lập blog trang trại The Waddle and Cluck, chia sẻ.
Các loại phi lê cá nạc như cá tuyết và cá rô phi có thể ngon, nhưng nhìn chung hải sản sẽ ngon hơn nếu chế biến nhanh trên bếp hoặc lò nướng.
Thịt đông lạnh
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cảnh báo không nên cho bất kỳ loại thịt đông lạnh nào vào nồi nấu chậm.
"Luôn rã đông thịt hoặc gia cầm trước khi cho vào nồi nấu chậm", cơ quan này cho biết. Nếu cho thịt hoặc gia cầm đông lạnh vào nồi nấu chậm, chúng mất quá nhiều thời gian rã đông, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh.
Theo USDA, sử dụng thực phẩm rã đông cũng sẽ đảm bảo bữa ăn của bạn được nấu chín đều hoàn toàn.
Ớt cay
Cho một nắm ớt cay vào nồi nấu chậm là cách đơn giản để thơm hương vị cho món ăn, nhưng có thể phản tác dụng.
Đầu bếp và người sáng tạo công thức nấu ăn Jessica Randhawa (Mỹ) cảnh báo nên sử dụng ớt một cách thận trọng vì nó dễ phân tán khắp nồi trong quá trình nấu chậm kéo dài.
Khi không chắc về độ cay của một số loại ớt nhất định, tốt nhất ban đầu cho ít, đến cuối thời gian nấu thì nếm thử rồi cho thêm nếu muốn.
Sản phẩm từ sữa
Nhiều món cần sữa hoặc kem để béo hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên nên tránh sử dụng các sản phẩm từ sữa trong nồi nấu chậm. Trong trường hợp buộc phải dùng, bạn cần căn đúng lượng và thời điểm thêm vào.
"Các thành phần từ sữa có thể bị đông lại hoặc tách ra, pho mát mềm có thể tan chảy hoàn toàn. Nước sốt kem đặc có xu hướng bị phân hủy theo thời gian", Chastain chỉ ra.
Chastain khuyên nếu phải cho sữa vào nồi nấu chậm, hãy cho khi nấu xong. "Riêng pho mát cứng và sữa chua, có thể khuấy sớm hơn vì chúng vẫn giữ được kết cấu", Chastain lưu ý.
Một số loại rau
Một số loại rau không giữ được lâu trong nồi nấu chậm. Các chuyên gia cảnh báo không nên cho các loại rau có nước như súp lơ, cà tím, bí xanh hoặc bông cải xanh vào một trong những thiết bị này.
Nếu buộc phải cho, nên cho vào sau để chúng mất ít thời gian hầm hơn.
Thịt gia cầm
Vẻ đẹp của thịt gà có da, lớp ngoài này có thể giòn, ngon trong khi vẫn giữ được độ ẩm thịt bên trong. Tuy nhiên, Gen La Rocca, đầu bếp, chủ sở hữu và người sáng tạo công thức nấu ăn của Two Cloves Kitchen cho biết, nhưng loại thịt như vậy có thể chuyển sang màu nâu trong nồi nấu chậm.
"Những phần thịt như đùi gà có xương, có da thích hợp hơn với phương pháp nấu khô bằng nhiệt như nướng trong lò. Da vàng và giòn hơn".
Kết hợp trứng với sữa đậu nành có thể gây thừa protein và khó tiêu, hay ăn trứng với chuối dễ gây nặng bụng, mất nhiều thời gian để tiêu hóa.
Nguồn: [Link nguồn]