Những lưu ý khi cúng ông Công ông Táo nhất định bạn phải biết
Cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp năm nay rơi vào thứ Ba ngày 25/1/2022. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi thực hiện nghi lễ quan trọng này.
Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là ông Công ông Táo.
Người Việt quan niệm, ông Công ông Táo là vị thần bảo hộ gia đình. Mỗi năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sẽ lên Thiên đình để báo cáo về chuyện của nhân gian trong 1 năm qua. Vì vậy, vào ngày này, mỗi gia đình đều chuẩn bị hương hoa, phẩm vật, mâm cỗ để cúng tiễn ông Công ông Táo.
Theo các chuyên gia phong thủy, nhà nghiên cứu văn hóa việc cúng ông Công ông Táo năm 2022 phải chú ý những điều sau:
Cúng ông Công ông Táo trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp
Tết ông Công ông Táo năm nay rơi vào thứ Ba ngày 25/1/2022. Tuy nhiên, vì điều kiện thời gian, một số gia đình có thể cúng sớm hơn vài ngày, thậm chí là 5-7 ngày với ngụ ý là mình sẽ báo cáo mọi việc với ông Táo, còn việc ông Táo lên chầu Trời sẽ đúng ngày 23.
Tuy nhiên, khi cúng ông Công ông Táo người ta thương tránh cúng sau 12 giờ trưa, bởi theo quan niệm dân gian, từ 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm các Táo đã bay về trời. Vì vậy trong ngày 23 các bạn nên sắp xếp thời gian để cúng trong buổi sáng.
Thực hiện lễ cúng ở nơi trang nghiêm, sạch sẽ
Cúng ông Công ông Táo thể hiện tập tục, tín ngưỡng lâu đời và nên tuân theo tập tục của từng vùng, từng địa phương. Ví dụ như ở miền Bắc, người dân ít khi đặt bàn thờ ở trong bếp, còn ở miền Nam thì nhiều gia đình đều có bố trí một bát hương, bàn thờ ở bếp.
Trên thực tế, không có tài liệu nào quy định rõ ràng về việc vị trí đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu bởi còn khá nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, theo quan niệm của đa số người Việt Nam, cúng bái luôn yêu cầu sự trang nghiêm nên lễ cúng ông Công ông Táo cũng nên được thực hiện ở nơi trang trọng, sạch sẽ. Một số gia đình có bàn thờ ông Táo riêng, điều này sẽ giúp lễ cúng trang nghiêm hơn. Nhưng nói chung dù thực hiện lễ cúng này ở trong bếp hay ở bàn thờ riêng, hay bàn thờ thần linh thì gia chủ cũng cần thể hiện sự thành tâm của mình.
Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo
Lễ vật cúng ông Công ông Táo bao gồm có lễ mặn và lễ chay.
Lễ mặn gồm có 1 mâm cơm canh. Lễ này tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình có thể làm thật thịnh soạn hoặc có thể đơn giản, bình thường. Tuy nhiên, tuyệt đối không dâng cúng Táo quân các món như thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…
Lễ chay gồm có: bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công ông Táo. Theo truyền thống là có 2 ông 1 bà (mũ ông có cánh chuồn còn mũ bà không có cánh chuồn) và 3 con cá chép.
Việc giữ gìn tập tục là điều cần thiết, tuy nhiên, nếu điều kiện, hoàn cảnh không cho phép gia chủ có thể đơn giản bằng các lễ vật như hương, hoa, đăng, trà, quả, bộ mũ ông Công ông Táo và có thể mua cá bằng giấy hoặc cá thật. Việc cúng bái dù thịnh soạn hay đơn giản thì quan trọng nhất vẫn là tâm thành.
Không cầu xin tài lộc khi cúng ông Táo
Làm lễ cúng ông Công ông Táo mà cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên là không phù hợp, không nên phát tâm cầu khấn những điều này.
Lau dọn bàn thờ dịp cuối năm
Theo quan niệm truyền thống, nơi thờ tự là chốn tôn nghiêm, linh thiêng, hàng ngày các vị thần vẫn còn ngự ở trên đó, nên gia chủ thường ít động vào. Ngày 23, ông Công ông Táo lên Thiên đình thì nhân việc ông đi vắng người ta tranh thủ dọn dẹp lại bàn thờ, tỉa chân nhang, lau chùi thật cẩn thận để chuẩn bị đón năm mới.
Việc dọn dẹp nơi thờ tự nên tiến hành sau lễ cúng ngày 23 tháng Chạp. Các thủ tục bao gồm rút bớt chân nhang lau chùi ban thờ, các vật dụng thờ tự. Tất cả các việc làm này không có gì phức tạp, mọi người chỉ cần cố gắng làm một cách cẩn thận, tránh đổ vỡ là được.
Nguồn: [Link nguồn]
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và văn hóa phương Đông cho biết, tục lệ...