Những loại thực phẩm nên tránh trong dịp Tết kẻo hại sức khỏe
Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc và các vấn đề về sức khỏe bạn nên tránh sử dụng những thực phẩm và đồ uống này trong dịp Tết.
Động vật có vỏ sống dễ gây ngộ độc
Các nguyên liệu sống có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây nên các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng... Do đó, nên tránh ăn hàu sống và tất cả các loại động vật có vỏ sống khác, chúng có thể khiến bạn bị bệnh và làm hỏng kỳ nghỉ của bạn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, một số động vật có vỏ sống và chưa nấu chín, chẳng hạn như hàu, trai và hến, có nguy cơ nhiễm vibriosis - một bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong. Hàu được nuôi trong môi trường không đảm bảo, hoặc quá trình sơ chế không vệ sinh… có thể nhiễm loại vi khuẩn Vibro khiến người ăn phải có thể tử vong.
Sữa chưa tiệt trùng
Sữa tươi chưa tiệt trùng hay sữa tươi thô là sữa tươi thu được từ dê, bò, cừu và các loại động vật có vú khác nhưng chưa qua xử lý để loại bỏ vi khuẩn và bụi bẩn.
Sữa tươi chưa tiệt trùng có thể chứa những loại vi khuẩn nguy hiểm như E.coli, Salmonella, Listeria, Campylobacter và những loại vi khuẩn gây bệnh khác.
Những loại vi khuẩn này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ của con người, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch suy yếu như bệnh nhân cấy ghép tim mạch, ung thư, tiểu đường, những người bị HIV/AIDS,...
Nó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hoá, tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí là các bệnh đe doạ đến tính mạng như hội chứng tan máu, suy thận, bệnh nhiễm trùng máu, bệnh sốt cấp tính,… Hơn nữa, vi khuẩn Listeria thường có trong sữa tươi nguyên liệu có thể gây sẩy thai, khuyết tật hoặc tử vong cho trẻ sơ sinh.
Nếu sau khi uống sữa tươi bạn gặp phải các triệu chứng như: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, sốt, nhức mỏi,… thì có thể bạn đã bị ngộ độc sữa. Khi đó bạn nên đến bệnh viện khám và điều trị.
Uống nước đá
Tốt hơn hết là bạn nên uống đồ uống ở nhiệt độ phòng, tránh đồ uống đông lạnh hoặc đồ uống có đá. Nhiều người mắc bệnh tiêu chảy do E.coli không nhiễm bệnh từ thức ăn mà từ nguồn nước đá làm lạnh đồ uống của họ.
Uống nước đá lạnh trong những ngày nhiệt độ xuống thấp còn có thể gây kích thích niêm mạc họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến viêm họng, viêm đường hô hấp.
Sushi
Tránh tiêu thụ thịt, hải sản và gia cầm chưa nấu chín, tất cả đều là nơi chứa mầm bệnh từ thực phẩm có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm và hủy hoại kỳ nghỉ của bạn.
Khi thưởng thức sashimi hoặc sushi có chứa cá sống, cần lưu ý nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây bệnh. Cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm bệnh là không ăn cá sống.
Rau mầm
Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm, đây là điều kiện để các loại vi khuẩn phát triển. Khi trồng rau mầm, nếu đất, rơm, xơ dừa… không được tiệt trùng để diệt vi khuẩn, nấm mốc và ở trong môi trường nóng ẩm, ít nắng sẽ là nguy cơ làm cho rau mầm nhiễm nấm mốc, vi khuẩn như Pythium, E.coli...
Đất để gieo rau mầm có thể chứa nhiều kim loại nặng hoặc hàm lượng nitrat cao, khi ăn vào có thể bị ngộ độc, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn. Nước tưới cho rau mầm phải là nước sinh hoạt sạch; Dùng các loại nước bã chè, nước gạo sẽ khiến vi khuẩn gia tăng.
Nếu gieo rau mầm bằng những hạt có tẩm hóa chất, do thời gian thu hoạch ngắn ngày nên tồn dư hóa chất chưa được phân hủy có thể gây ngộ độc cho người dùng, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Muốn trồng rau mầm phải chọn những hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, bao gồm cả trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ mang thai, không nên ăn rau mầm sống. Nếu bạn là người nguy cơ cao, hãy nấu chín kỹ rau mầm nếu muốn ăn chúng.
Đêm giao thừa đánh dấu thời điểm cho sự khởi đầu và đổi mới. Nếu bạn đang hy vọng bắt đầu một năm mới thuận lợi, có rất nhiều món ăn may mắn để ăn vào lúc này.
Nguồn: [Link nguồn]