Nhớ món cá ót nấu riêu của nội

Mỗi lần thấy tôi xách làn đi chợ nội lại dặn mua ít cá ót (cá nhỏ) về nấu riêu.

Bà nội tôi hồi còn sống mỗi khi thấy cô cháu gái xách làn ra chợ, thường dặn với theo, con nhớ xem có cá gì nhỏ nhỏ mà tươi thì mua ít về nấu riêu nhé. Thế là suốt dọc đường đi, lúc nào tôi cũng mong gặp cá ót.

Cá ót không xa lạ với dân miền biển. Giống cá có nhiều loại, rẻ thì có ót tiền, giá bình dân thì có ót gai, ót chỉ vàng, cá ót đĩa đắt đỏ, thường phải bữa ăn sang, người ta mới dám hỏi mua.

Cá ót chỉ vàng có một đường màu vàng mảnh dẻ vắt hai bên mình con cá. Cá ót tiền nhỏ xíu, trắng bạc. Cá ót gai khi nấu chín, hai bên vây của nó xòe như những chiếc gai.

Cá ót nấu riêu

Cá ót chỉ vàng

Nếu như cá ót đĩa to như bàn tay người lớn, có thể rán hoặc kho với gừng, me chua thì các loại cá ót khác nhỏ, ít thịt, nên đa phần được chế biến thành một món ăn ngọt nước là nấu riêu.

Ngày đó, gia đình chúng tôi không mấy khá giả, chỉ đủ tiền ăn cá ót gai, cá ót chỉ vàng. Một cân có khi chỉ 15.000 đồng.

Mua về nấu riêu, chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng, thế là cả nhà tha hồ xì xụp.

Mua được cá ót tươi xanh, thích nhất là nó vẫn còn đầy nhớt. Mua về phải xóc cá trong một cái rổ có mắt lớn cho sạch hết nhớt. Cá ót không mổ bỏ ruột như những loại cá thông thường, cứ lấy một con dao sắc, cắt vát đầu con cá, đuôi thì có khi cứ để nguyên.

Nấu riêu cá ót đơn giản, gia vị cũng không cầu kỳ. Phi thơm hành củ, xào chín cà chua, quả me (hay quả dọc, tai chua) rồi cho đủ nước vừa ăn. Lọc bỏ vỏ, hạt me, nêm gia vị, chờ nước sôi thả cá vào. Con cá cong mình lên là nhấc nồi, cho thêm hành hoa, thì là, ớt đỏ.

Riêu cá ót mà thiếu hành hoa, thì là thì coi như hỏng. Tôi cũng chưa bao giờ ăn riêu cá mà thiếu ớt cay, nhưng nghĩ rằng quả ớt cay cực kỳ có duyên trong nồi riêu cá. Mùi tanh của cá biển bỗng chốc bị khử. Chan muỗng nước riêu chua cay ngọt mặn đẫm trong bát cơm trắng rồi xì xà xì xụp, thấy trán toát hết mồ hôi, lưỡi nhiều khi bỏng rát, mới thấy hết cái thú của món ăn dân dã.

Riêu cá ót ăn ngon nhất với ít rau xà lách, rau mùi. Các loại rau sống khác như rau muống chẻ, thân chuối hột, ngò gai… lại dành cho những món riêu từ cá khác.

“Khôn ăn cái, dại ăn nước”, tuy nhiên với món riêu cá ót, ai trong nhà chúng tôi cũng muốn làm… người dại. Phần vì nước cá riêu vừa thơm, vừa ngọt. Phần vì cá ót mình mỏng dính, có chút thịt, gỡ không cẩn thận còn bị hóc. (Đó cũng chính là lý do nhiều người dân quê tôi khi mời khách thường… sang trọng hóa món ăn bằng cách gọi cá ót là cá Long Hội- đọc chệch là… “lôi họng”).

Bữa ăn những ngày nghèo khó thường để lại cả những kỷ niệm đôi khi không chỉ về món ăn. Chúng tôi nhớ có ngày mùa đông lạnh, cả nhà một nồi cơm trắng, một nồi lớn cá riêu. Bà tôi hái thêm được 1 rổ rau xà lách, mùi thơm ngoài vườn. Chúng tôi tinh mắt, gỡ thật khéo cho bà phần thịt cá. Còn lại, cha mẹ, 2 đứa con, chỉ chan nước riêu ăn kèm rau sống thế mà nồi riêu và nồi cơm cùng đồng loạt hết bay.

Bây giờ, tôi xa quê và biển, bữa cơm với mẹ cha và nồi riêu cá ót giản đơn cũng hóa mông lung, xa vời quá…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Hằng (ihay)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN