Nhớ con cua huỳnh đế Phú Quý
Cuối tuần rảnh rỗi, lang thang siêu thị và bất ngờ thấy bán cua huỳnh đế. Dễ chừng hơn 10 năm rồi chưa được ăn lại món cua huỳnh đế hấp chấm muối tiêu chanh ở đảo Phú Quý quê tôi, nơi có hương vị thơm ngon nhất.
Không như những loài cua thông thường khác, cua huỳnh đế to lớn đẫy đà, xấp xỉ 500g – 1kg/con. Mới nhìn thoáng qua lại giống như một chú nhện khổng lồ, lông tua tủa, hai càng đưa ra như cái “mỏ lếch” nhưng có cái “lưng” bầu tròn và toàn thân màu đỏ hồng rất đáng yêu. Lý giải cho cái tên có phần khá độc đáo này, các cụ quê tôi bảo rằng thuở xa xưa khi nhà vua vi hành và tình cờ nếm thử món cua này. Ngạc nhiên với hình thù đặc biệt, vị thịt thơm ngon, khi ăn cho cảm giác sung mãn nên đã lệnh cho ngư dân thường xuyên dâng lên hoàng cung để vua thưởng thức. Cua huỳnh đế có thịt chắc, gạch thơm và béo ngậy hơn hẳn các loại cua ghẹ khác. Loài cua này chỉ “tạm trú” ở những vùng biển sạch, đáy biển có cát và nguồn nước trong xanh như các vùng biển ở huyện đảo Phú Qúy (Bình Thuận), Quy Nhơn (Bình Định), Cam Ranh (Khánh Hòa)… nước ta.
Ở huyện đảo Phú Quý quê tôi, vào những tháng mùa xuân biển rất êm là thời điểm cua huỳnh đế phát triển thành đàn đông đảo. Lúc này, những chú cua huỳnh đế lại mò mẫm ra khỏi hang, kiếm tìm nhau và để làm… công việc duy trì nòi giống. Lũ cua như bắt đầu một cuộc sống mới, lại có thức ăn đủ đầy, chúng phát triển rất nhanh, con nào cũng đẫy đà, da bóng láng mượt mà.
Chịu khó “canh chừng” các tàu của ngư dân đánh bắt cua cập bến, mua ngay vài con cua huỳnh đế để còn “vo ve” về hấp vừa chín tới, gỡ thịt cua chấm với muối tiêu chanh thêm chút ớt băm “đưa cay” với vài ly bia mát lạnh thì đã nhất trần đời! Nhưng, cái ngon ấy chỉ dừng lại ở cái ngon… dân dã. Cua hùynh đế, muốn lạ miệng hơn nữa, má tôi thường nấu cháo với chút hành lá, hành củ và tiêu bột. Cua cũng hấp qua vài phút cho chín tới, cũng chờ mùi của cua thơm phức bốc lên là vớt ra ngay, nhưng… hãy khoan ăn vội! Cứ rửa sạch những cọng hành lá, xắt mỏng những củ hành để sang bên rồi nhẹ nhàng gỡ từng thớ thịt và múc từng muỗng gạch cua thơm lừng ra một chiếc tô sạch, cho củ hành xắt mỏng vào chảo dầu phi vàng rồi cho tiếp gạch cua, thịt cua vào xào ít phút, thêm chút gia vị và khi nghe mùi thơm thoảng ra khắp nhà là tắt bếp ngay. Nhanh tay trút hết hỗn hợp thịt cua thơm lừng ấy vào nồi cháo trắng đang sôi ùng ục, thêm chút nước mắm, rắc tiêu đen và hành lá lên trên. Đơn giản là thế nhưng không phải ai làm cũng ngon, mặn quá hay cay quá sẽ làm món ăn mất vị ngọt, mà nhạt quá sẽ làm món ăn có mùi tanh. Mùi thịt cua thơm lừng, vị gạch cua béo ngậy quyện cùng hương gạo lúa mới, vị cay của tiêu, vị mặn dìu dịu của nước mắm – tất cả vị giác như được đánh thức!
Nhưng giờ, giống cua này đã được nâng lên thành đặc sản, ngày càng hiếm nên ngay cả người dân quê cũng rất ít khi được thưởng thức. Thi thoảng vẫn có cua huỳnh đế được ướp đá, đưa vào các siêu thị ở Sài Gòn, không còn tươi ngon, nhưng giá vẫn rất đắt. Hiện giá của con cua huỳnh đế bán tại bản địa loại khoảng 1kg/con khoảng 500.000 – 800.000 đồng/kg, loại 400g – 600g/con có giá khoảng 450.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi vào đến nhà hàng đặc sản, giá có thể đội lên gấp nhiều lần.