Nhìn như cục bông xanh biếc, hóa ra là món đặc sản lấy từ lòng suối
Từ bao đời nay, rêu đá đã trở thành món ăn quen thuộc của người Thái ở miền núi Tây Bắc. Ngày nay rêu đá cũng là món ăn đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Thái, thường được dùng để đãi khách quý.
Núi rừng Tây Bắc nơi có những con sông, con suối nước trong xanh tựa như mạch máu âm thầm chảy và nuôi dưỡng mỗi bản làng để làm nên cuộc sống và tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Món rêu đá của đồng bào dân tộc Thái cũng lấy từ chính những dòng sông, con suối đó.
Rêu đá mọc ở những khe suối và bám vào đá.
Rêu đá mọc thành từng mảng ở khu vực ven sông, khe suối, nơi có nguồn nước chảy, chúng thường mọc từ tháng 9, tháng 10 đến hết tháng 5 âm lịch. Nơi lòng suối nước chảy mạnh rêu thường mọc bám vào các tảng đá, còn ở ven sông thì rêu mọc trôi nổi. Và cách lấy những loại rêu này cũng khác nhau, đối với rêu đá thì phải dùng dao hoặc vật sắc tách những sợi rêu đang bám chặt vào đá, còn rêu mọc trôi nổi ven sông dùng vợt xúc.
Rêu đá thường mọc từ tháng 9, tháng 10 đến hết tháng 5 âm lịch.
Thời gian này, đang là mùa nhặt rêu đá. Được theo chân những người phụ nữ dân tộc Thái ở bản Nà Tâu (xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) ra dòng suối Chiến nhặt rêu đá, chúng tôi mới hiểu để có được món ăn đặc sản từ rêu đá không hề đơn giản.
Để lấy được rêu đá, người lấy rêu phải đi dọc theo các khe suối lổn nhổn đá, trơn trượt, tay nhặt từng sợi rêu đang bám vào đá cả ngày trời. Sau khi mang rêu về, trải qua nhiều công đoạn chế biến rêu mới trở thành món ăn.
Rêu đá mọc chủ yếu ở những con suối nước trong và sạch.
Với chị Thanh, vì nhà ở gần dòng suối Chiến, con suối quanh năm nước trong xanh chảy qua bản Nà Tâu, mỗi khi rảnh công việc nhà, chị lại cùng mấy chị em dân bản rủ nhau ra suối nhặt rêu đá về làm món ăn của gia đình.
Chị Thanh bảo rằng: Rêu đá mọc ở suối Chiến rất nhiều. Rêu đá chủ yếu mọc ở những đoạn suối có nước trong và sạch, để nhận biết chỗ nào có rêu đá, chỉ cần nhìn ra lòng suối nơi nào có nước trong và màu xanh nhất là nơi đó có rêu đá mọc.
Ngoài nhặt rêu đá về ăn nhiều người dân còn lấy rêu đá về để bán kiếm chút tiền têu.
Theo chị Thanh, rêu đá có thể chế biến ra nhiều món khác nhau như: Rêu nướng, rêu xào, canh rêu… Đối với món rêu nấu canh, lấy chày gỗ đập nát rêu cho hết tạp chất, rồi rửa sạch, cắt rêu thành từng đoạn nhỏ cho vào nồi canh.
Còn rêu nộm khi làm sạch, đồ chín, đem trộn với các loại gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, hạt mắc khén, ớt. Rêu đá nướng, khi đã tẩm với các gia vị như mì chính, gừng, sả, hạt mắc khén... dùng lá chuối bọc lại rồi kẹp tre nướng trên than hồng, rêu nướng có mùi vị rất thơm và ngon.
Rêu đá là món ăn đặc sản của dân tộc Thái ở miền núi Tây Bắc.
Ngoài là món ăn ẩm thực đặc sắc dùng đãi khách của người Thái. Rêu đá còn gắn với những câu chuyện tình đôi lứa của chàng trai, cô gái Thái. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái yêu nhau nhưng lại gặp sự cản trở của vị Chúa đất nơi họ sinh sống. Họ cùng thề non hẹn biển mãi bên nhau và đã quyết định cùng nhau chạy trốn tới một đỉnh núi cao.
Cô gái khóc nhiều đến nỗi nước mắt chảy thành dòng nước. Để được mãi bên nhau, họ đã lao xuống dòng nước đó. Cơ thể của chàng trai biến thành những tảng đá, còn mái tóc dài của cô gái lại biến thành rêu bám vào đá. Và rêu đá cũng có từ đó. Ngày nay rêu đá đã trở thành món ăn ẩm thực đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở miền núi Tây Bắc.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món ăn như: Rêu nướng, rêu nộm, canh rêu...
Nguồn: [Link nguồn]
Vài năm trở lại đây, ở vùng cao Tây Bắc, đặc biệt là ở các khu du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Sơn La, Hà Giang, Điện Biên,......