Nguyên liệu đắt nhất trong ẩm thực Nhật, xứng danh mỹ vị nhân gian
Có rất nhiều lý do khiến cho cá ngừ vây xanh trở nên đắt đỏ bậc nhất trong ẩm thực Nhật Bản.
Các nhà hàng Nhật Bản nổi tiếng với việc sử dụng nguyên liệu chất lượng cao và đắt tiền. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi người Nhật sẵn sàng trả rất cao cho một nguyên liệu tươi ngon, nổi bật nhất phải kể tới cá ngừ vây xanh.
Những con cá ngừ vây xanh trị giá hàng triệu đô la
Chợ Tsukiji, Tokyo là chợ cá lớn nhất thế giới, nổi tiếng với những cuộc đấu giá cá đắt đỏ, thậm chí một số loại cá được bán với giá 58.000 USD.
Vào ngày 5/1/2020, một con cá ngừ vây xanh nặng 275 kg đã được bán tại chợ Tsukiji với giá 193,2 triệu yên (gần 1,8 triệu USD). Trong khi cá ngừ Nhật Bản thường có giá dao động từ 60 đến 260 USD mỗi kg, loại cá ngừ này có giá trị ở mức 5200 USD mỗi kg.
Người mua là Kiyoshi Kimura, người tự xưng là “Vua cá ngừ” của Nhật Bản, ông sẽ phục vụ con cá này trong nhà hàng sushi của mình.
Kimura chắc chắn không xa lạ gì với những loại cá đắt tiền. Vào năm 2019, Kimura đã viết một tấm séc trị giá 333,6 triệu yên (3,1 triệu USD) cho một con cá ngừ nặng 278 kg, tương đương 8700 USD mỗi kg.
Có rất nhiều lý do khiến cá ngừ vây xanh có thể đắt đến thế. Món cá ngừ đóng hộp mà nhiều người trong chúng ta quen dùng được làm từ cá ngừ albacore, loại cá nhỏ, lớn nhanh và có nhiều ở đại dương.
Trong khi đó, cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương được đánh giá cao ở Nhật Bản, lớn hơn nhiều so với cá ngừ thông thường. Nó có những đường vân tuyệt đẹp trong từng thớ thịt, cắn một miếng khiến người ăn cảm tưởng như thưởng thức mỹ vị ngon nhất trên đời.
Sự khan hiếm cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương cỡ lớn cũng góp phần khiến chúng có giá cao, vì loài cá này chính thức được liệt kê là loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Khi số lượng cá ngừ đánh bắt giảm, giá cũng tăng do khan hiếm. Giá được cho là đã tăng 40% do tỷ lệ đánh bắt ít và tất nhiên giá cá ngừ đắt đến mức mang lại địa vị cho người mua, một biểu tượng quyền lực đối với những người như “Vua cá ngừ”.
Một cuộc đấu giá đặt cược cao với số tiền béo bở cũng thu hút sự chú ý của giới truyền thông, thậm chí cả bên ngoài Nhật Bản. Điều này khiến nhiều đầu bếp và lãnh đạo doanh nghiệp chú ý hơn, những người có thể mua được một trong những con cá ngừ quý giá.
Lịch sử cá ngừ vây xanh ở Nhật Bản
Cá ngừ vây xanh được gọi là hon-maguro hay 'cá ngừ đích thực', ngày nay được đánh giá cao nhưng ban đầu được coi là món ăn hạng cấp thấp, giống như tôm hùm ở Mỹ trước đây.
Trước khi phát minh ra tủ lạnh, cá phải giữ còn sống thì mới đảm bảo được độ tươi. Cá ngừ là một loại cá khó ăn một cách an toàn vì chúng có nhiệt độ cơ thể cao, thịt ấm dễ bị hỏng.
Sau khi được cắt thành miếng, thịt cá ngừ sẽ dễ bị hư, phần mỡ sẽ ôi thiu trước phần nạc. Đó cũng là một trong những lý do khiến cho thịt cá ngừ dành cho người thuộc tầng lớp cấp thấp và chó mèo.
Cũng có thể có một lý do xã hội nào đó dẫn đến việc người ta thường coi thường cá ngừ, ngoài tính chất không thực tế của việc giữ cho thịt tươi.
Cá ngừ ban đầu được chế biến bằng cách chôn dưới lòng đất trong 4 ngày để lên men thịt. Điều này khiến nó có tên là shibi, có nghĩa là “4 ngày”. Tuy nhiên, từ shibi cũng có thể được hiểu là “ngày chết”. Vào thời Edo, mọi người, đặc biệt là tầng lớp samurai quyền lực, rất coi trọng ý nghĩa kép như thế này, vì vậy nó được gọi là loài cá xui xẻo.
Đến những năm 1840, cá ngừ được bán ở các thị trường cấp thấp hơn. Ở thị trường này, cá ngừ được cho là để được lâu hơn và ngon hơn nếu ướp với nước tương mặn hoặc nước mirin có đường, cả hai đều đóng vai trò như chất bảo quản.
Những miếng cá ngừ nạc hơn bắt đầu trở nên phổ biến vì giờ đây mọi người có thể bảo quản thịt trong thời gian dài hơn.
Cuối cùng, khi việc bảo quản lạnh trở nên phổ biến hơn, những miếng cá ngừ béo ngậy cũng có thể được bảo quản và để dành. Cá ngừ được chấp nhận rộng rãi hơn sau Thế chiến II khi Nhật Bản bắt đầu chuyển sang phong cách ăn uống kiểu phương Tây.
Hiện nay, những miếng cá ngừ béo ngậy là một trong những miếng cá đắt nhất mà bạn có thể mua do hương vị và độ đậm đà của nó. Đánh bắt cá ngừ tự nhiên và dạng tươi sống giúp người ăn tận hưởng được hương vị ngon nhất trước khi phần chất béo bị hỏng.
Trải nghiệm ăn sushi cá ngừ đẳng cấp nhất
Thịt cá ngừ vây xanh được chia làm 3 loại khi được đầu bếp chế biến. Akami là những miếng thịt sẫm màu có nhiều protein và ít chất béo, O-Toro là những miếng thịt mỏng hơn có vân cẩm thạch với hàm lượng chất béo cao, Chu-Toro là miếng thịt nằm ở giữa với một lượng chất béo và protein vừa phải. Các loại cắt khác nhau được sử dụng cho các loại món ăn khác nhau.
Nhưng món ăn phổ biến nhất vẫn là món sushi, cá tươi thường được phục vụ cùng cơm trắng. Khi ăn sushi ở Nhật Bản, bạn nên ăn bằng đũa hoặc tay, thêm một lượng nhỏ wasabi vào miếng sushi rồi chấm với nước tương có thể giúp khơi dậy hương vị. Gari (gừng ngâm) đi kèm với nhiều đĩa sushi có tác dụng như một chất tẩy rửa miệng tốt sau mỗi lần ăn cá sống.
Nếu có cơ hội thưởng thức cá ngừ vây xanh tại Nhật Bản, khi cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận sự khác biệt ngay lập tức và phải thốt lên kinh ngạc.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là loại quả có giá trị rất cao trong y học và ẩm thực nhưng nhiều người chưa biết tới.