Nguy hại tiềm ẩn từ thói quen chỉ tráng thớt bằng nước sôi
Nếu không được vệ sinh đúng cách thớt sẽ trở thành ổ chứa vi khuẩn, có thể lây lan sang thức ăn, gây hại cho sức khỏe người dùng.
Trên thị trường hiện nay bày bán rất nhiều loại thớt với chất liệu, kiểu dáng đa dạng, phong phú nhưng đáng lo là có nhiều sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Có những loại thớt được các xưởng sản xuất tận dụng từ những mẩu gỗ thừa kém chất lượng. Khi sử dụng, hóa chất và vụn gỗ có thể bám vào thức ăn, nếu đi vào cơ thể với một số lượng lớn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đối với sức khỏe. Nhẹ thì nổi vài vết mẩn ngứa dị ứng, nặng hơn thì tiêu chảy đau bụng, lên cơn khó thở, suyễn.
Nguy cơ mang bệnh từ thớt thật ra không chỉ nằm ở chuyện thớt làm bằng nguyên liệu gì, mà chủ yếu là vì thói quen sử dụng và vệ sinh thớt.
Nên dùng riêng thớt để chế biến thực phẩm sống và chín. (Ảnh minh họa)
Một trong những sai lầm phổ biến là dùng chung thớt cho cả thực phẩm sống và chín. Thực phẩm tươi sống như thịt, cá đều có nhiều vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng... cho dù có chà rửa thớt kỹ đến mấy cũng chỉ làm sạch bề mặt còn những vi khuẩn đã ẩn sâu trong thớt không thể làm sạch được thì vẫn nằm lại đó và tiếp tục sinh sôi. Vì vậy, cần dùng thớt riêng cho hai loại thực phẩm sống và chín.
Ngoài ra nhiều người còn thường xuyên sử dụng cả hai mặt của thớt. Nên bỏ thói quen này bởi các mặt phẳng dùng để kê thớt khi chế biến thức ăn như nền nhà, kệ bếp không được sạch sẽ. Khi đặt mặt thớt xuống, vi khuẩn, vi trùng sẽ bám vào, do vậy chỉ nên sử dụng một mặt.
Bên cạnh đó sau khi sử dụng nếu chỉ tráng bằng nước sôi hoặc nước lạnh thì vi khuẩn vẫn còn tồn đọng tại bề mặt thớt. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, bề mặt thớt là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn có hại. Nếu để thớt bẩn thì vi khuẩn sẽ sinh sôi và rất khó để loại bỏ, đặc biệt là đối với thớt cũ với nhiều rãnh cắt sâu. Vi khuẩn E.coli, salmonella và Campylobacter (các vi khuẩn gây tiêu chảy và bệnh đường ruột) có thể lây lan từ thớt sang thức ăn nếu thớt không được vệ sinh đúng cách, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn cần vệ sinh thớt đúng cách.
Để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn, vi sinh vật, ký sinh trùng ở thớt, việc vệ sinh thớt rất quan trọng: Sau khi cắt thức ăn, cần rửa sạch thớt bằng nước rửa bát và nước sạch. Hoặc sau khi rửa sạch thớt bằng nước rửa bát và nước sạch, đổ nước nóng lên thớt rồi dùng bàn chải cứng để chà rửa khử trùng, diệt nấm mốc. Cũng có thể hòa thuốc sát trùng với nồng độ 5% (8 - 16ml thuốc trong 2 lít nước) rồi ngâm thớt vào đó. Thời gian ngâm là 10 – 15 phút để tẩy sạch vi khuẩn. Sau khi vệ sinh thớt sạch sẽ cần dựng hoặc treo thớt lên cho ráo nước. Không nên phơi thớt trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
Một lưu ý nữa là sau một thời gian sử dụng, mặt thớt sẽ bị đan chéo nhiều vết cắt, lâu ngày thức ăn giắt vào tạo nên ổ vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, với thớt dùng cho thức ăn chín, khoảng từ 6 – 8 tháng nên thay thớt một lần.
Khi chọn mua thớt, nên chọn sản phẩm có nhãn mác rõ ràng để biết rõ nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Không nên chọn những chiếc thớt có bề mặt phủ lớp màu, vì đây là cách để nhà sản xuất che giấu các vết nứt hoặc thấm mốc bên dưới… Tuyệt đối không chọn những sản phẩm chỉ ghi lập lờ với thông tin chung chung.
Ngoài ra tốt nhất nên chọn thớt phù hợp với mục đích chế biến.
- Thớt gỗ thích hợp cho băm chặt
Thớt gỗ có độ đàn hồi cao, trọng lượng nặng, thích hợp để băm, chặt thức ăn. Nhược điểm là dễ thấm hút nước và các loại mùi, nhanh cong vênh, có mùn, nứt, dễ mục. Vì thế khi mới mua về, bạn nên ngâm thớt trong nước muối mặn theo tỉ lệ: 200g muối/1 lít nước, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng. Điều này giúp thớt có đủ độ ẩm, không bị rạn nứt về sau. Để thớt không bị mùn hay có mùi, sau khi sử dụng, bạn nên chà rửa thớt bằng một ít nước rửa bát hoặc chanh tươi. Sau đó, bạn lau khô và treo thớt ở nơi khô thoáng để ngăn ngừa nấm mốc.
- Thớt nhựa thích hợp để thái thức ăn chín
Thớt nhựa không chịu được lực tác động lớn. Nếu bạn chặt thịt cá, thớt có thể bị nứt, vỡ, dao nhanh cùn hơn. Vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng thớt nhựa để thái các loại thức ăn đã chế biến, không cần nhiều lực. Khi sử dụng thớt nhựa, bạn cần tránh dùng lực quá mạnh khiến các vết dao hằn trên mặt thớt, tạo thành những khe hở cho vi khuẩn sống, đồng thời làm thớt nhanh cũ.
Khi thớt bị ố, ngả màu, bạn nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng hai giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.
- Thớt thủy tinh thích hợp cắt hoa quả
Thớt thủy tinh làm từ thủy tinh chịu lực nên không bị mùn, không bị ô-xy hóa, dễ lau rửa, chịu được nhiệt độ cao. Bạn có thể yên tâm thái thực phẩm mà không sợ làm trầy xước bề mặt thớt. Tuy nhiên, bề mặt thớt cứng làm dao nhanh cùn và không thích hợp cho việc băm, chặt thức ăn. Ngoài ra, bề mặt thớt trơn nhẵn có thể khiến dao dễ bị trượt, gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Vì thế bạn chỉ nên dùng thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, thức ăn mềm, các món cơm cuốn, sushi, thức ăn đã được chế biến như thịt luộc, thịt quay, giò, chả.
Nấm là món ăn ngon, bổ nhưng việc rửa sạch nó trước khi chế biến là không dễ dàng.
Nguồn: [Link nguồn]