Ngọt thơm món bí rợ hầm dừa miền Tây Nam Bộ
Bí rợ là thực vật thuở trước mọc hoang rải rác ở bìa rừng, sau này được con người đem về trồng trong vườn nhà. Dây bí bò mọc lan trên mặt đất, cho bông màu vàng tươi.
Trong dân gian có câu: "Thiếp mong mẹ gả về vườn/ Ăn bông bí luộc hương dừa nấu canh" cho thấy rằng bí rợ là món ăn rất đỗi gần gũi, thân thương trong đời sồng thường nhật của người dân.
Dây bí rợ (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Món bí rợ hầm dừa chỉ gồm toàn thực vật, nhưng cũng thường xuyên có mặt trong bữa ăn của người dân Sóc Trăng. Bông bí đực hái về lặt sạch, hấp cơm, luộc hoặc làm rau nấu canh, nhúng lẩu,... Đọt bí non hái về xào ăn, hay nấy canh tập tàng cũng rất ngon.
Trái bí chín hình trụ tròn, có khía, vỏ ngoài màu khạp da bò, bên trong thịt màu đỏ sậm, hột trắng ngà. Bí gọt vỏ xắt miếng hình vuông, người ta còn lấy khoai lang gọt vỏ, cắt khoanh để nấu chung. Ướp bí, khoai với đường và chút muối để cho thấm. Dừa khô, nạo vắt nước cốt để riêng, thêm nước lạnh, vắt nước dão (nước cốt dừa vắt lần thứ hai, thứ ba nên độ béo dần loãng đi) cho vào nồi bắc lên bếp nấu.
Nước sôi, cho bí, khoai lang vào hầm cho đến khi khoai, bí chín mềm. Cho nước cốt dừa vào, đợi nồi bí hầm sôi lại thì nhắc xuống rắc thêm đậu phộng đã đâm nát, ăn nóng. Bí rợ hầm dừa thường được những người đi cấy lúa, nhổ mạ, chế lát, phát năng, ăn với cơm và mắm chưng.
Tô bí hầm nước cốt dừa (ảnh minh họa, nguồn Internet)
Có nơi người ta còn hầm bí với bột khoai, bột bán, có người cho thêm ít rau choại non vào, gọi là bí nấu kiểm.
Món này còn thích hợp với người ăn chay. Ngày rằm, ngày vía người theo đạo Phật ở miền Tây Nam bộ còn nấu kiểm để dâng cúng Phật, Trời bày trên bàn thờ trong nhà hay bàn Ông Thiên trước sân.