Ngọt ngào canh mướp cua đồng
Ngày trước, nhà nghèo, ruộng ít, cha tôi trồng thêm mướp, luống rau ngoài ruộng để tăng thu nhập cho gia đình. Tôi nhớ hoài những lúc cùng cha gieo hạt mướp, hái mướp, bắt cua...
Cha tôi thường chọn nơi gần bờ ruộng, vì mướp ưa nước, phần để tiết kiệm đất trồng. Tôi cầm lon hạt giống chờ khi cha kêu gieo xuống chỗ nào là tôi gieo ngay chỗ ấy. Loáng chốc, hai cha con đã gieo hết khoảng đất, mồ hôi nhễ nhại, cha xoa đầu tôi ngọt ngào: “Con giỏi lắm, chiều về nhà cha thưởng quà cho”. Rồi cha bảo tôi về trước cùng anh hai.
Chiều cha về, tôi chạy ra đón cha đòi quà, cha giơ lên hai xâu cua đồng, rồi cha vào bếp hì hục thổi lửa nướng cua. Mùi cua đồng thơm nức mũi và lúc nào tôi cũng được cha dành phần những cái càng thật to, béo ngậy.
Những ngày thơ bé, tôi nhớ có lần bị mẹ mắng vì hái hoa của mướp. “Lần sau con không được phá như thế nữa, nghe chưa!” - mẹ vừa nói, vừa đánh tôi một cái rõ đau vì cái tội hái hoa mướp. Tôi rưng rưng nước mắt. Thấy vậy, mẹ liền ôm tôi vào lòng vỗ về: “Con đừng hái hoa mướp phải để dành hoa ra trái chứ!”. Một mùi hương thật lạ, thật lạ cùng với màu vàng ươm rực rỡ khi khoe sắc dưới ánh ban mai của hoa mướp lại có sự cuốn hút mãnh liệt với tôi đến thế. Tôi tôi vuốt ve từng cánh hoa, nhìn không chớp mắt, rồi ngắt vội vài bông đưa lên mũi ngửi, mẹ nhìn thấy…
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Khi giàn mướp đã lủng lẳng trái, mẹ dẫn tôi ra hái từng trái, từng trái. Mẹ nhẹ nhàng nâng trái mướp lên rồi dùng dao cắt cuống mướp rồi lại từ tốn đặt chúng vào thúng. Nhìn cách mẹ hái mướp như đang chăm sóc đàn con nhỏ. Mẹ nói với tôi phải như thế thì mướp mới không bị dập, mới ngon, ra chợ bán nhiều người mua. Trưa hôm ấy mẹ về, hai thúng mướp chỉ còn lại duy nhất một trái thật to. Tôi hỏi: “Mẹ ơi! Bộ trái này bị “ế” lại hả mẹ?”. Mẹ nhoẻn miệng cười hiền hậu: “Mẹ để dành lại để chiều nay nấu canh mướp cho nhà mình ăn”.
Chiều cha đi ruộng về, tay cầm hai xâu cua đồng còn tươi rói. Mẹ tôi cẩn thận mần cua sạch sẽ và gỡ gạch cua ra để riêng vào chén. Chị tôi thì lấy cái cối đá nhỏ đổ cua vào, giã cho nhuyễn, rồi lấy nước mưa lọc thịt cua đồng để nấu canh. Nước mưa đầu mùa trong mát và ngọt lịm không như nước suối, nước lọc, nó chứa chan cái vị tình quê!
Mẹ bắc nồi nước cua lên bếp, ngọn lửa củi cháy liu riu và nước từ từ sôi lên. Thật lạ lùng, cái nước cua đen đục ấy khi nước bắt đầu kêu nồi, sôi lên thì lại trong veo và thịt cua bắt đầu nổi lên với màu nâu xanh hấp dẫn nao người.
Bát canh mướp, rau nấu với cua (ảnh minh hoạ, nguồn Internet)
Hương vị tuyệt vời của món canh cùng với không khí ấm cúng gia đình của mỗi buổi chiều ở làng quê,... tất cả đã khiến tôi còn nhớ đến nao lòng.