Ngọt bùi hoa nhà quê
Thiên nhiên xứ nhiệt đới đã ban tặng cho mỗi miền quê những loài hoa thơm quả ngọt. Và cứ như thế, mỗi mùa mỗi loài hoa khác nhau làm nên sự thảo thơm, ngọt bùi nơi thôn dã.
Ngó bông súng và hoa thiên lý
Buổi sáng mùa hè nào cũng vậy, trời oi bức, nơi vùng trung du, người ta đều thấy những bà bầm, bà bủ khăn mỏ quạ, áo nâu tứ thân, cắp chiếc rổ tre bên trong đựng đầy hoa thiên lý. Bầm mang ra chợ, dưới gốc đa ngồi bán. Những chùm hoa thiên lý tươi rói, vàng tựa sao trời lóng lánh trong chiếc rổ tre. Nhìn hình ảnh ấy, tôi nghĩ đến mỗi trưa hè ở quê nhà, đi làm đồng về, bên hông đeo rọ cua. Những chú cua kềnh mùa gặt béo căng, mai bóng mượt được lột bỏ cho vào cối đá giã. Bà mẹ ngồi tỉ mẩn lấy tăm tre khêu từng nhúm gạch cua trên mai của nó cho vào bát rồi bắc ghế hái những chùm hoa thiên lý vàng ươm nấu canh. Thành thử nồi canh thơm phức, ngọt lừ. Màu vàng của hoa thiên lý hoà màu nâu trắng riêu cua, màu gạch cua nổi lên, chan vào bát cơm, cắn kèm quả cà pháo giòn tan. Mỗi bữa cơm quê như thế, người ta như lùa cả hương vị, sắc màu và sự thảo thơm đồng quê vào miệng.
Hoa thiên lý làm nhiều món ăn dân dã nhưng nay đã vào thực đơn ở các
nhà hàng sang trọng. Ảnh: TL
Ở quê, sáng nào người dân đi làm đồng dường như ai cũng đưa mắt nhìn xuống con ngòi để ngắm những bông sen bông súng đang chúm chím, toả hương khắp ngõ làng. Súng và sen mọc từ dưới bùn sâu nên chúng phải vươn dài chiếc ngó để “thắp lửa” cho những bông hoa trên mặt nước. Ai mà nghĩ tới những loài hoa này cũng là một dư vị khó quên của cư dân nông nghiệp. Đã đành cây sen, từ hoa, lá, củ, ngó của nó đều trở thành những món ăn đậm đà. Nhưng hoa súng thì khó lòng ai ai cũng biết. Những trưa hè, mấy đứa trẻ đi câu cá, quần xắn tận đầu gối, lội ra giữa ngòi, rút lên những bông súng đang nở. Sau đó, bó thành bó nhỏ vác về, đi nghênh ngang trên đường làng. Chiều về, bà mẹ quê tước bỏ vỏ ngoài của thân ngó súng, ngâm vào nước hồi lâu, sau đó cắt từng đoạn ngắn, chẻ tư, vắt chanh, muối, đường, cùng lạc rang và rau húng. Trộn đều, cho vào dĩa, vậy là thành món nộm (gỏi) thơm ngon, giòn tan. Mâm cơm vậy mà thơm lạ lùng và dân dã.
Hoa bí hoa mướp hoa quỳnh
Trên rừng cũng có khá nhiều loài hoa có thể chế biến thành món ăn. Quen thuộc nhất là hoa chuối, một loài hoa có mặt ở khắp các khu vườn, khu rừng già và là bạn thân của nông dân tự bao đời. Chuối mọc thành rừng, thành vạt, chuối trổ hoa quanh năm. Chiều về, mấy đứa trẻ chăn trâu hay mấy người dân đi hái củi không quên toòng teng bên mình đôi ba cái hoa chuối đỏ tịm. Về nhà, thái mỏng hoa chuối, ngâm nước vo gạo cho hoa ra hết nhựa, hết chất chát rồi làm nộm. Tất cả gia vị, nào chanh trong vườn, lạc rang giã nhỏ, rau mùi tàu, kinh giới, húng dũi trộn đều; kèm theo tai heo luộc thái mỏng hay xương sụn băm nhỏ. Dĩa nộm bữa cơm chiều từ hoa chuối sao ngon đến thế. Hoa chuối không chát mà giòn, ngọt, tai heo ăn lật sật quyện mùi thơm của lạc, chanh, rau mùi. Thế là nhất xứ rồi, không chỉ ngon, hoa chuối còn bổ dưỡng vì nó chứa nhiều chất dinh dưỡng trong thời kỳ nuôi quả.
Ở quê, mẹ thường hay trồng bầu bí và mướp. Mùa nào thức ấy, không gian vườn tược không thể thiếu giàn quả nơi cầu ao hay trước sân nhà. Sáng sớm, mẹ ra vườn bí để thụ phấn cho những bông hoa cái còn những bông bí đực, mẹ hái bó thành từng lọn nhỏ trông đẹp mắt; gánh hoa ra chợ bán, đi dọc bờ đê, hai bên toàn hoa bí. Loài hoa này cũng giàu dinh dưỡng nên được người dân khá ưa chuộng. Hoa bí xào với lòng gà ăn thơm bùi, hoa bí nấu cua đồng; ôi thôi nó ngọt phải biết! Còn hoa mướp nữa, ngon không kém. Kỳ thực ít ai ăn hoa mướp, nhưng đã một lần sẽ nhớ mãi. Nụ mướp nở thành từng chùm, hái xuống rửa sạch, xào hay nấu canh đều ngon đáo để.
Tuy chưa được thưởng thức nhưng từng nghe và chứng kiến người dân quê tôi dùng hoa quỳnh sau khi đã nở trong đêm, nấu cháo dùng cho người ốm. Dân gian bảo, món cực quý đó là món ăn rất bổ dưỡng, xua tan mệt nhọc.
Thế mới biết, ở quê, mỗi mùa, mỗi dư vị khác nhau. Từ những loài cây, loài hoa dân dã, đều cho những món ăn dân dã, thảo thơm và giàu dinh dưỡng.