Ngon mê mẩn cá bông lau
Cá bông lau chế biến kiểu nào cũng khiến người ưa thích ẩm thực tấm tắc khen.
Ai đã từng theo ghe bủa lưới bắt cá bông lau ở Vàm Nao (H.Phú Tân, An Giang) sẽ được chìm đắm trong một đêm huyền hoặc đến nao lòng.
Dài theo mặt sông Vàm Nao rộng hơn cây số dày đặc ghe, kèn ghe với những ánh đèn chấp chới trên sóng nước dài đến hàng bảy tám cây số.
Chúng tạo thành một mê cung của ánh sáng ảo diệu, là một hội hoa đăng không sao tưởng tượng. Càng thú vị hơn, khi kéo lưới lên dính mấy chú cá bông lau nặng cả chục ký lấp lánh ánh bạc trong ánh đèn soi.
Cá bông lau đánh bắt được không đập đầu mà làm sống để giữ trọn hương vị của nó. Ăn cá bông lau khúc giữa là ngon “tuyệt đối”, nhưng phải cá bự.
Cá bông lau kho lạt ăn với xoài sống bằm - Ảnh: P.K
Cá được làm thành nhiều món. Cá bông lau chiên lạt rắc chút tiêu bột chấm nước mắm trong dằm ớt hiểm xanh, vị ngọt của cá hòa vị mặn thanh cay của nước chấm, đã đời miệng lưỡi khi có tô canh chua cá bông lau đi kèm. Cá bông lau kho tộ cho ta một bữa cơm thơm mặn. Món nào cũng khiến những người ưa thích thú ẩm thực tấm tắc khen ngợi.
Nhưng có lẽ món cá bông lau kho lạt “rắc” những sợi xoài sống dằm trái ớt sừng trâu là ấn tượng nhất.
Vị ngọt của thịt cá hòa vị mặn của gia vị và vị chua của trái xoài sống kích thích dịch vị, càng ăn càng mê mẩn tâm can.
Thưởng thức thịt cá đã ngon, tuyệt cú hơn là gắp phần bụng cá nung núc mỡ với lớp da cá mềm dai. Bạn đừng sợ mỡ cá làm bạn béo phì, trái lại nó có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Nhưng “số một” là được “nhá” từng miếng bao tử cá, sần sật, khoái khẩu.
Cũng như các loại thực phẩm khác, tươi là tiêu chí số một quyết định chất lượng món ăn, nên thưởng thức cá bông lau cốt yếu phải là con cá còn tươi roi rói. Hưởng cái sự ngon lành ấy xong, bạn mới cảm thấy sông Hậu quá sức hào phóng, ưu ái cho người dân hai bên lưu vực những bữa ăn ngon, không đâu có và không phải lúc nào trong năm cũng có.
Vì, muốn ăn cá bông lau phải đợi tới mùa. Có người nói cá bông lau sống ở vùng biển nước lợ, sau Tết nguyên đán tiến sâu vào vùng sông cái Hậu Giang, chỉ có mặt trên những khúc sông thuộc các địa phương: Tiểu Cần, Cầu Kè (Trà Vinh); Đại Ngãi, Kế Sách (Sóc Trăng); Trà Ôn (Vĩnh Long); Tân Lộc (Cần Thơ); Lai Vung (Đồng Tháp) và đặc biệt là Vàm Nao (Phú Tân, An Giang).
Cá bông lau có mặt tại những khúc sông này tới khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch thì mất tăm, để lại trong lòng người sành ăn niềm hoài nhớ khôn nguôi, ngóng đợi một mùa cá mới năm sau, bồi hồi vương vấn câu hát huê tình:
“Ngó xuống Vàm Nao thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới.
Anh ngồi anh chắc lưỡi biết chừng nào mới cưới đặng em”…