Ngó môn – huơng vị đồng quê khó quên
Ngó môn tím nhàn nhạt, nhưng ngon ăn đứt ngó sen.
Một hôm lơ đãng, ngồi dưới cái chái quán Phú, giở tập menu và chợt nhìn thấy mấy món nấu với ngó môn: ngó môn xào tỏi, ngó môn xào lươn, ngó môn nấu ốc. Ngó còn được ông Huỳnh Tịnh Của giải thích trong Đại Nam quấc âm tự vị là tượt, củ nhánh.
Dường như khắp các quán trong Sài Gòn trung tâm này chẳng có quán nào có món ngó môn, ngoài cái quán Phú bình dân nằm khép nép ở ngã ba Sương Nguyệt Anh – Cách Mạng Tháng Tám; đối diện với An Dương home Center, càng làm nó lụp xụp hơn.
Ngó môn không trắng muốt như ngó sen. Cái trắng muốt của ngó sen làm nhớ đến câu thơ Ninh Tốn, một người văn võ kiêm toàn, làm quan dưới hai triều vua Lê và Tây Sơn một cách yên ả. Ninh Tốn có lẽ là nhà thơ sexy nhất thời của ông khi chung quanh toàn những ông đạo mạo theo đạo khổng rất đạo đức giả (sexy ở đây xin được hiểu là tiếng lóng của giới làm báo chỉ sự giật gân nhất định nào đó). Ông đã tả một cặp đùi của một phụ nữ cưỡi ngựa trắng đẹp như cặp ngó sen. Vậy nên mỗi lần ăn gỏi ngó sen lại nhớ đến thơ Ninh Tốn về cặp ngó sen trắng muốt.
Bây giờ chẳng biết có phải là hạnh ngộ với ngó môn chăng, vì là lần đầu tiên mới biết đến hương vị của nó. Ngó môn tím nhàn nhạt, nhưng ngon ăn đứt ngó sen.
Ngó môn xào với lươn - món ngon dân dã có thể tìm thấy ở trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Trần Việt Đức
Ngó môn xào tỏi ăn vừa dẻo vừa dòn sựt, lại không dám tưởng tượng ra đôi chân nào, vì thiếu chất thơ Ninh Tốn. Những phần ngó môn gần củ còn cho cảm giác như đang ăn thứ gì đó na ná tinh bột. Ngó môn xào với lươn lại tạo ra một thứ hương vị khác. Biết rằng ớ quán sá bây giờ môn đã trồng và lươn đã nuôi, không còn môn nước dại và lươn đặt trúm bắt trong đồng; nên chắc chắn là độ ngon “nuôi – trồng” kém xa hương sắc thiên nhiên.
Thực ra, do trình độ ăn của mình thấp – chắc chừng lớp một, lại chỉ là dân từ miền ngoài nhập cư và sống quanh quẩn ở Sài Gòn, nên mới được ăn ngó môn lần đầu, chứ dân khẩn hoang ở miền sông nước nơi môn dại mọc đầy - tự đời thuở nào, họ đã biết nấu ngó môn ăn với một dọc dài những thứ mà mới nghe kể, đã thấy rạo rực…
Nhưng nấu ốc theo kiểu giữ nóng suốt trên bếp của quán lại không ngon, vì ốc quán ốm nhách do bị bỏ đói ất dậu lâu ngày, nấu kéo dài lại teo tóp dai nhách, chẳng còn vị gì.
Một hôm thèm ngó môn quá, nhứt là nghe nói nó mà nấu cháo với lươn đồng ăn thì số dzách (hoặc nói theo kiểu mấy bợm nhậu, chỉ có nước mới chừa lại cho chó ăn), mới đi lần quần mấy chợ Thái Bình, Xóm Chiếu, Bàn Cờ kiếm mua, đều không thấy. Có một cái chợ không gì thiếu lại không ghé. Gặp dịp Năm Khỉa, chủ quán Duyên Hải dưới Cần Giờ lên Sài Gòn mới hỏi thăm: Ông có biết ở đâu bán ngó môn? Năm Khỉa gật gù: Ừ, thứ đó ăn được, bán ở chợ Bến Thành chớ đâu.
Năm Khỉa bán quán ở Cần Giờ với nhiều món không đụng hàng ở đâu mà có vẻ giựt mình thì quả ư là mình cảm nhận đúng.
Rồi còn nghe dân trên mạng kháo nhau về lẩu cháo ếch ngó môn nữa chớ. Chắc là phải tự khám phá thôi, phải tìm mua ngó môn, mua ếch chân dài ở chợ, chứ vào quán gặp loại ếch từ lúc sinh đến lúc lên bàn ăn không nhảy bao giờ chân lấy đâu ra mà dài.
Người miền Tây còn có chiêu ngó môn làm dưa để chấm nước cá kho lạt ăn cơm, nhất là đã vào mùa cá linh, cá linh kho lạt thì còn kể gì... Nghe mà thấy hương đồng còn bát ngát nhất là đêm mưa rả rích ngồi ở hàng quán bình dân trên vỉa hè Sài Gòn…