Nét riêng của bánh chưng Bờ Đậu
Thưởng thức bánh chưng Bờ Đậu, thực khách sẽ không thấy ngán bởi gạo nếp.
Đến với đất Thái Nguyên, nơi được mệnh danh là “thủ đô gió ngàn”, du khách chẳng thể nào quên hương vị chè xanh đậm đà, thơm ngon. Đặc biệt, chưa thưởng thức bánh chưng Bờ Đậu thì như chưa đặt chân tới mảnh đất này.
Bánh không được gói bằng khuôn mà vẫn vuông vắn, đều tắm tắp - Ảnh: Hoàng Hân
Có dịp đi qua Thái Nguyên, bất kể ngày nào trong năm các bạn cũng thấy những nồi bánh chưng nghi ngút khói, không khí tấp lập như tết đang về. Và những ngày này, khi những ngày tết cổ truyền đang đến gần thì không khí nơi đây dường như đang náo nhiệt hơn. Đặt chân xuống đầu làng, có cảm giác hương vị tết cổ truyền đã ở gần lắm rồi.
Từ nguyên liệu làm bánh cũng đã được người dân nơi đây lựa chọn công phu, kỹ càng. Lá gói bánh phải được lấy từ vùng núi của huyện Định Hóa, mang hương vị đặc trưng của núi rừng Thái Nguyên. Lá phải to bản, màu xanh ngắt được rửa sạch bóng, tươi và lá được chọn phải là lá nếp, không quá già và cũng không quá non.
Bánh chưng là món bánh cổ truyền của dân tộc ta từ bao đời nay, là món bánh không thể thiếu được khi thờ cúng tổ tiên khi mỗi độ xuân về. Quen thuộc, nhưng để được nhiều người biết đến, chỉ thưởng thức một lần rồi nhớ mãi có lẽ chỉ có bánh chưng Bờ Đậu với hương vị đặc trưng nhờ bí quyết riêng, truyền từ thế hệ này đến thế các thế hệ sau trong mỗi gia đình ở đây. |
Với gạo nếp, người dân nơi đây phải tìm mua từ Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái nguyên), loại gạo nếp thuần chủng. Nhân thịt lợn là thịt ba rọi tươi, luộc mềm, thái dày được trộn với hạt tiêu đất Bắc. Còn nước luộc bánh cũng được người dân nơi đây kỳ công lấy nước suối nguồn từ núi đá sau làng.
Kỳ công từ chọn nguyên liệu làm bánh, chế biến bánh cũng được mọi người chú trọng trong từng khâu. Cẩn thận và cầu kỳ ngay từ lúc chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, vì vậy bánh chưng nơi đây mang một hương vị riêng rất đặc biệt.
Gạo nếp được vo, đãi sạch qua ba lần nước rồi để ráo. Theo người dân nơi đây, gạo sau khi đãi phải để ráo nước, nếu không bánh luộc sẽ bị nát. Đỗ xanh nguyên lõi được đãi sạch rồi đồ chín, để tránh đỗ bị sượng khi nấu bánh, đỗ vo thành từng nắm nhỏ, đặt thêm miếng thịt đã sơ chế vào giữa tạo thành nhân cho mỗi chiếc bánh.
Ở nhà mỗi khi xuân về tôi thường cùng mẹ gói bánh cùng với sự trợ giúp của những chiếc khuôn vuông vắn, nhưng tới đây mới được chứng kiến những người dân lành nghề gói bánh chỉ với đôi bàn tay khéo léo. Một loáng họ đã tạo ra những chiếc bánh đẹp đẽ vuông vắn mà ngay cả gói bằng khuôn cũng khó đẹp bằng.
Khâu cuối cùng là luộc bánh, đây cũng là một khâu quan trọng, những chiếc bánh được xếp vào nồi phi to, phải luộc khoảng 10-12 giờ, giữ lửa đều, nước sôi liên tục và thường xuyên chế thêm nước để đảm bảo nước luôn ngập bánh. Khi bánh chín lá vẫn mang màu xanh tươi, chiếc bánh chắc, vuông vắn đẹp mắt.
Ngon lành bánh chưng Bờ Đậu - Ảnh: Hoàng Hân
Khi thưởng thức miếng bánh chưng Bờ Đậu, thực khách sẽ không thấy ngán bởi gạo nếp, mà sẽ cảm nhận được vị dẻo thơm của nếp hòa cùng vị béo ngậy của thịt và vị cay cay, thơm nồng của hạt tiêu, cảm nhận như cả đất trời hòa quyện vào bánh. Chỉ thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi và cũng quên ngay cái vị ngấy khi thưởng thức đồ nếp.
Những chiếc bánh chưng Bờ Đậu được gói lên không chỉ bằng gạo nếp, đỗ xanh, lá dong mà còn được bao bọc bởi tình cảm, nềm say mê của người dân nơi đây hòa cùng hương vị đất trời riêng của vùng đất này.
Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ là niềm tự hào, là nỗi nhớ của những người con Thái Nguyên khi xa quê, mà còn là nỗi nhớ của các thế hệ sinh viên khi rời xa mảnh đất này, là một hương vị khó quên đối với mỗi du khách khi đặt chân đến với “Thủ đô gió ngàn”.