Nên hầm xương trong bao lâu để tốt cho sức khỏe?
Nước hầm xương là một món ăn phổ biến, đồng thời cũng là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon như súp, phở, bún… Tuy nhiên, lợi ích dinh dưỡng, cách chế biến và sử dụng nước hầm xương như thế nào để tốt cho sức khỏe nhất thì không phải ai cũng biết rõ.
1. Lợi ích dinh dưỡng của nước hầm xương
Nước hầm xương được làm bằng cách ninh xương của động vật trong một thời gian dài. Xương và mô liên kết của các loại động vật như thịt lợn, thịt bò, gà, thịt cừu, ngựa…
Nước hầm xương tốt cho sức khỏe do hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú, đặc biệt là cải thiện tiêu hóa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, xương động vật chứa nhiều acid amin khác nhau, collagen và gelatin. Xương động vật cũng là nguồn cung cấp canxi, magiê, phốt pho, kali... Đây là những khoáng chất cần thiết để xây dựng và củng cố xương, dây chằng và gân.
Phân tích về hàm lượng dinh dưỡng, trong một cốc (240g) nước hầm xương chứa:
- Calo: 80
- Chất béo: 0,5g
- Chất đạm: 10g
- Carbohydrate: 5g
- Sắt: 2% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
- Natri: 19% nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị
Nước hầm xương chứa nhiều chất dinh dưỡng.
2. Dùng nước hầm xương tốt cho tiêu hóa
Nước hầm xương chứa các acid amin có lợi, là thành phần cấu tạo nên protein trong cơ thể. Mặc dù các nghiên cứu về nước hầm xương còn ít, nhưng đã cho thấy các acid amin như glycine và glutamine trong nước hầm xương có thể giúp tạo collagen trong cơ thể, hỗ trợ sức khỏe đường ruột và khớp.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chìa khóa cho sức khỏe tiêu hóa trong nước hầm xương đến từ gelatin. Gelatin trong nước hầm xương hấp thu và giữ chất lỏng, giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa dễ dàng hơn.
Glutamine, một acid amin có trong gelatin, giúp duy trì tính toàn vẹn của thành ruột và có thể bảo vệ và chữa lành các vấn đề về ruột gây khó chịu cho hệ tiêu hóa. Uống nước hầm xương có thể có lợi cho những người mắc bệnh viêm ruột, hội chứng ruột kích thích và các vấn đề tiêu hóa khác.
3. Nên hầm xương trong bao lâu?
Nước hầm xương có nhiều các chất dinh dưỡng khác nhau, nhưng hàm lượng chất dinh dưỡng phụ thuộc vào những thành phần có trong nước dùng cũng như thời gian ninh. Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong nước hầm xương thay đổi tùy theo thời gian ninh xương và các loại rau củ hay thảo mộc được sử dụng.
Ngoài ra, tủy xương chứa nhiều vitamin A, vitamin K2 và các khoáng chất như sắt, kẽm, selen và mangan. Tất cả các bộ phận của động vật cũng chứa collagen, chất này biến thành gelatin khi được nấu chín và giải phóng các acid amin thiết yếu vào trong nước. Khi xương được ninh nhừ, tất cả các chất dinh dưỡng này được hòa vào nước ở dạng mà cơ thể rất dễ hấp thụ.
Nước dùng cho bát phở gần 4 triệu đồng, đầu bếp cho biết xương được hầm trong suốt 48 tiếng, tuy nhiên với điều kiện nấu ăn trong gia đình, không phù hợp cho việc hầm xương quá lâu. Vậy thời gian hầm xương ( không phải là ninh sườn như sườn vai, sườn thăn có nhiều thịt) trong bao lâu?
Thông thường, hầm xương là một quá trình đơn giản bao gồm: nước, xương động vật, giấm, muối, một chút hạt tiêu, ninh trong vòng 12 - 24 giờ. Bạn cũng có thể thêm rau củ, thảo mộc và gia vị để tạo hương vị. Theo kinh nghiệm nấu ăn của các đầu bếp với hầm xương là hãy nấu theo thính giác và vị giác của mình mà đừng quá phụ thuộc vào đồng hồ. Nước dùng thành phẩm sẽ có vị ngọt đậm và màu sắc không nhợt nhạt. Nhưng thực tế nhiều người có kinh nghiệm hầm xương trong khoảng 12 – 24h để nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ xương.
Súp gà làm từ nước hầm xương rất tốt cho người bị ốm.
4. Sử dụng nước hầm xương như thế nào là tốt nhất?
Bạn nên uống trực tiếp nước dùng hầm xương hoặc chế biến các món cháo, phở, bún, miến, bánh canh, súp rau củ…
Đối với trường hợp bị ốm hay mệt mỏi thì sử dụng nước hầm xương kết hợp với rau củ hay thảo mộc là một cách dễ dàng và hiệu quả để bổ sung dinh dưỡng.
Đặc biệt, món súp gà sử dụng nước dùng hầm xương là món ăn ngon và giàu dinh dưỡng, có tác dụng chống viêm nhẹ giúp giảm thiểu các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, dùng rất tốt cho người bị ốm, sốt…
Theo BS. Liên Hương, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nước hầm xương có nhiều dưỡng chất và tốt cho sức khỏe, tuy nhiên ăn bao nhiêu để tránh dư thừa là điều mà mọi người cần phải quan tâm.
Chúng ta nên ăn khoảng 200-350ml nước hầm xương, khoảng 2-3 lần/tuần là đủ để có được đầy đủ những lợi ích về mặt sức khỏe và dinh dưỡng. Ngoài ra, những người có bệnh lý nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc sử dụng nước hầm xương phù hợp với thể trạng của mình.
Lưu ý: Trong quá trình hầm xương không nên cho quá nhiều muối. Các sản phẩm nước hầm xương chế biến sẵn thường chứa hàm lượng muối cao. Vì vậy, bạn nên lưu ý xem nhãn sản phẩm để lựa chọn tiêu thụ lượng muối an toàn cho sức khỏe.
Khi hầm xương hay luộc thịt, một lớp váng có màu sắc đục ngầu lại nổi bọt lên trông mất thẩm mỹ, nhiều người băn khoăn không biết có phải do đây là thịt bị nhiễm hoá...
Nguồn: [Link nguồn]