Nấu cơm tưởng "dễ nhất quả đất" nhưng chỉ sai 1 bước đơn giản này, nồi cơm không chỉ kém ngon mà còn mất cả chất dinh dưỡng
Việc nấu cơm tưởng đơn giản nhưng nhiều chị em lại đang thao tác không chuẩn khiến cơm mất chất, kém độ ngon.
Trên diễn đàn về ẩm thực, chị Nguyễn Hoa Quỳnh đã giới thiệu với chị em cách để nấu 1 nồi cơm ngon.
Việc này theo như chị Quỳnh thì có vẻ như hơi "nhảm nhí" bởi việc nấu cơm ngày càng đơn giản khi chỉ cần bỏ tiền ra mua một chiếc nồi cơm điện xịn là xong. Nhưng thật ra, nồi cơm xịn không phải là yếu tố quyết định tất cả. Chị Quỳnh tin chắc nhiều bạn chưa biết rõ về cách nấu một nồi cơm ngon đúng cách. Chị Quỳnh cũng từng nghĩ nó đơn giản nhưng từ khi làm chân nấu cơm trong một quán mì ở Nhật, chị đã hiểu rõ vì sao ra quán ăn cơm luôn thấy cơm ngon hơn ở nhà. Dưới đây là các bước chị Quỳnh hướng dẫn để nấu 1 nồi cơm ngon theo kiểu Nhật.
Dù có nồi điện, nhưng chị Quỳnh vẫn nấu cơm bằng nồi gang hoặc đất
Bước 1: Chọn gạo ngon là điều kiện cần để có cơm ngon. Đối với gạo Nhật, tỷ lệ nở thông thường của gạo là 1 chén gạo được 2 chén cơm đầy. Vậy căn cứ theo tỷ lệ này, chúng ta có thể đong được lượng gạo thích hợp nấu cơm mỗi ngày vừa đủ với sức ăn của thành viên trong gia đình.
Bước 2: Tiếp theo, vo gạo. Có loại gạo không cần vo ở Nhật nhưng với những loại gạo phải vo thì chúng ta sẽ vo gạo thế nào để giúp cơm dẻo ngon?
Chúng ta thường có thói quen vo gạo thật kỹ cho đến khi nước trong veo nhưng điều này vô tình sẽ làm mất hết dinh dưỡng trong gạo. Lớp vỏ ngoài của gạo sau khi xay có chứa nhiều vitamin B1, B3 và B6 cùng với chất xơ và các khoáng chất giúp giảm cholesterol có hại trong máu. Tuy nhiên cũng không nên vo rối vì trong nhiều loại gạo công nghiệp, để bảo quản lâu dài, nhà sản xuất có thêm bột talc giúp tránh mối mọt và hút ẩm. Không phải loại nào cũng có chứa bột này, nếu trên bao bì không ghi sử dụng chất bảo quản thì chúng ta có thể yên tâm không cần vo nhiều.
- Cho gạo vào rổ/ rá, xả nước nhẹ nhàng cho ướt gạo.
- Tiếp đó đổ nước vào chậu, nhúng rổ gạo vào, dùng tay đảo tròn gạo trong khoảng 10 lần thật nhẹ. Nhấc rổ lên, vỗ nhẹ cho ráo nước.
Cơm dẻo ngon nấu theo cách của chị Quỳnh
Bước 3: Sau khi để ráo nước, sử dụng một chiếc khăn sạch nhúng nước vắt bớt nước đi, phủ lên mặt gạo 30 phút. Hoặc cho gạo vào một âu nước ấm ngâm 15 phút.
Bước 4: Tiếp đến chọn tỷ lệ nước. Kinh nghiệm "kinh điển" của người Việt là thêm nước một lóng tay. Tuy nhiên, nó cho kết quả phập phù. Vậy tỷ lệ nước thế nào thì sẽ cho cơm ngon? Với gạo mới trong 3 tháng tính từ ngày in bao bì, tỷ lệ nước và gạo là 1:1. Với gạo cũ, tỷ lệ nước và gạo là 1,5:1.
Bước 5: Nấu cơm bằng nước nóng già 70 độ và cho thêm vào một vài giọt dầu olive hoặc dầu mè sẽ giúp giữ lại lượng vitamin B cùng chất xơ trong gạo, đồng thời cơm sẽ bóng dẻo đẹp mắt.
Bước 6: Khi cơm chín, dùng thìa xới tơi đều cơm lên rồi đậy vung lại và ủ thêm 15 phút nữa.
Bước 7: Cho vào cơm 1 thìa cà phê muối khi nấu sẽ giúp cơm lâu thiu vào ngày hè. (Tỷ lệ muối và gạo là 10 bát gạo cho 1 thìa cà phê ngang muối. Nhà ăn đến đâu mình giảm lượng đi đến đấy).
Bước 8: Xã hội hiện đại, ai cũng thích nấu nồi cơm điện cho nhanh nhưng cho dù nồi cơm hiện đại đến đâu, cơm nấu bằng nồi đất/ nồi gang trên bếp gas hoặc hấp bằng lồng vẫn dẻo ngon hơn cả. Với cách ủ gạo trong khăn ẩm hoặc ngâm gạo vào nước ấm trước 15 phút khi nấu cơm sẽ rút ngắn thời gian nấu, đồng thời hạt gạo ngậm đủ nước sẽ cho cơm dẻo ngon ngọt hơn.
Mâm cơm ngon mắt nhà chị Quỳnh
Bước 9: Cuối cùng, nấu xong nồi cơm ngon rồi chỉ còn chờ thức ăn ngon nữa thôi. Một trong bí quyết nấu ăn nữa em học từ quán Nhật chính là tận dụng nước vo gạo vào chế biến thức ăn. Vậy các chị đừng đổ nước vo gạo đi mà hãy đổ vào bình, bảo quản trong tủ lạnh trong 3 ngày để tận dụng cho:
- Khử mùi hôi thịt khi luộc thịt.
- Khử mùi tanh khi kho cá hoặc kho thịt.
- Tạo vị ngọt tự nhiên thay gia vị công nghiệp hay nước dùng.
- Tạo màu đẹp cho món ăn kho, hầm.
Nguồn: [Link nguồn]
Dưới đây là cách nấu cơm vô cùng đơn giản nhưng cực kỳ ngon miệng, làm sushi hay cơm nắm đều rất thích hợp