Mù tạc - “vua của các gia vị”
Hiếm có loại gia vị nào được “ưu ái” như mù tạc, có cả một ngày riêng để kỷ niệm. Viện Bảo tàng mù tạc Quốc gia (National Mustard Museum) tại bang Alabama, Hoa Kỳ đã dành ngày thứ bảy đầu tiên của tháng để vinh danh vị cay nồng của “vua các gia vị” – như người Mỹ vẫn gọi.
Mù tạc là tên gọi một loại thực vật ở bắc bán cầu, những hạt giống đã được tìm thấy trong các khu định cư từ thời đồ đá. Người Ai Cập đã dùng những hạt giống này trong món ăn của họ. Người Sumer tán nhuyễn và trộn mù tạc với Verjus, một loại nước ép nho. Đầu bếp Hy Lạp và La Mã sử dụng hạt giống ở dạng bột, hoặc pha với nước biển giữ vị cá thịt thơm ngon. Được trồng phổ biến hàng ngàn năm, mù tạc là gia vị chính ở Châu Âu trước khi có sự trao đổi gia vị với Châu Á: phương Tây đã dùng mù tạc từ rất lâu trước khi có hạt tiêu.
Từ “mustard” (mù tạc) có nguồn gốc là từ “mustarde” trong tiếng Anh cổ, nghĩa là “gia vị”. Từ ngày lại có xuất xứ là “mostarde” trong tiếng Pháp. Trong đó, từ “mosto” xuất phát từ tiếng La Tinh là “mustum”, nghĩa là nước nho ép hay rượu vang chưa lên men, đó là các loại chất lỏng trộn lẫn với hạt giống mù tạc để nhà sư người Pháp làm gia vị… Những nhà sư gọi mù tạc là “ardens mustum”, có nghĩa là “đốt rượu vang”.
Đa dạng, đa vị
Có khoảng 40 loại cây mù tạc, nhưng có 3 loại chính để làm gia vị là mù tạc đen, nâu và trắng. Mù tạc trắng, có nguồn gốc ở lưu vực Địa Trung Hải, được biết đến rộng rãi với màu vàng sáng, dùng trong món Hot dog. Mù tạc nâu, có nguồn gốc ở dãy Hymalayas, loại mù tạc cơ bản được dùng trong các nhà hàng Trung Hoa, cả ở Mỹ và Châu Âu; và mù tạc đen phổ biến ở Trung Đông và Tiểu Á, là loại có vị cay nhất, vì cần phải được thu hoạch bằng tay nên không được dùng nhiều ở phương Tây.
Tất cả các bộ phận của cây mù tạc đều ăn được, là cây dùng chung rất ngon trong món salad khi còn non và mềm. Lá già với thân cây có thể được ăn sống như rau. Mù tạc thường được nấu với giăm bông, thịt lợn muối, và được sử dụng trong món súp và hầm. Hạt mù tạc cũng được sử dụng để làm dầu thơm, và những bông hoa có thể được dùng để trang trí món ăn.
Mọi loại mù tạc đều được thực hiện bằng cùng một cách cơ bản. Hạt giống được làm sạch, nghiền nát, phần thân và cám được lọc ra. Tiếp tục nghiền và nghiền cho đến khi đạt yêu cầu, tùy thuộc vào tiêu chuẩn riêng của từng loại. Một loại chất lỏng lạnh như bia, verjus, giấm, nước, rượu vang… được thêm vào, cùng với muối và gia vị (bột nghệ, đinh hương) và các hương liệu khác. Tùy thuộc vào mùi vị mong muốn sẽ có mù tạc vị việt quất, mù tạc mật ong hoặc rau ngải giấm mù tạc. Trong một số trường hợp mù tạc được ninh nhỏ lửa để loại bỏ các vết nứt, sau đó làm lạnh. Có nhiều loại mù tạc được trữ trong thùng chứa lớn.
Có rất nhiều loại mù tạc trên thị trường, phổ biến nhất là loại mù tạc xanh, xuất xứ từ Nhật Bản và được dùng cho món sushi lừng danh. Ngoài ra còn có mù tạc vàng làm với nghệ và mật ong – rất thích hợp với món xúc xích nướng, mù tạc Dijon kiểu Pháp chế biến với rượu trắng cho món rau trộn, salad, hay mù tạc Meaux trộn từ giấm có vị giòn cay hoàn hảo cho món nướng và hải sản…
Ngày nay, hầu hết công việc được thực hiện bằng máy móc tinh vi. Các hạt giống được nạp vào máy nghiền con lăn để có thể san bằng thân chúng cùng một lúc. Tuy có cách thực hiện, nhưng các hãng mù tạc nổi tiếng đều giữ bí mật phép đo chính xác từng thành phần, vốn tạo nên mùi vị đặc trưng của từng thương hiệu.
Vị thuốc quí
Không chỉ là loại gia vị đặc biệt có lịch sử lâu đời, mù tạc còn được biết đến như một vị thuốc quí, giúp trị nhiều chứng bệnh. Người Hy Lạp cổ đại xem mù tạc là món quà mà thần sức khỏe Asclepious tặng cho con người. Họ dùng nó như một loại cao nóng thoa ngoài da, trị các vết phồng rộp. Mặc dù dễ bay hơi nhưng dầu mù tạc lại rất công hiệu trong việc chữa trị nhanh các vết rộp da khi được pha loãng hoặc đắp trực tiếp lên vùng da bị kích ứng. Chứa nhiều vitamin, và là nguồn dồi dào axit béo Omega 3, chất xơ, sắt, mangan, magiê, nicain, protein, selen, kẽm và phốt pho, mù tạc còn giúp chữa bệnh hen suyễn và bệnh cao huyết áp. Các nhà khoa học đang nghiên cứu hiệu quả của mù tạc trong điều trị chứng đau nửa đầu và ngăn ngừa ung thư. Trong khi đó, công dụng kích thích tiêu hóa, giảm các bệnh dạ dày cũng như triệu chứng viêm khớp, từ lâu đã được con người công nhận.
Ngoài ra, mù tạc còn giúp làm lành các vết cắn của bò cạp, rắn rết… hoặc chữa đau nhức. Nhờ tác dụng làm nóng tại chỗ, mù tạc giúp cắt cơn đau cơ, vì thế chúng còn được pha loãng với nước để rửa chân hoặc tắm.
Bắt đầu từ năm 1991, ngày thứ bảy đầu tiên của tháng Tám được dùng làm “Ngày Mù tạc Quốc gia”, được tổ chức kỉ niệm tại thị trấn Middleton, Wicousin. Tại đây, hàng ngàn người yêu mù tạc cùng gia đình sẽ được thưởng thức món xúc xích Hot dog miễn phí, cùng với rất nhiều gian hàng mù tạc được giới thiệu. Họ cũng sẽ ca hát, vui chơi giải trí, mặc lên mình những trang phục ngộ nghĩnh liên quan đến mù tạc. Nhưng ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở một ngày kỷ niệm, những người tổ chức mong rằng, nhờ đó mọi người sẽ nhận ra được lợi ích tuyệt vời của mù tạc để sử dụng nó vào mỗi ngày trong năm.
Cách dùng mù tạc
Thông thường, người đầu bếp không trộn mù tạc với nước nóng mà trộn với chanh hoặc giấm, vị sẽ ngon hơn rất nhiều. Đó là do trong mù tạc có các enzyme tạo mùi, dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao.
Theo truyền thuyết ở Đức, cô dâu sẽ được may hạt mù tạc vào viền của váy cưới của họ để tượng trưng cho sự quán xuyến trong gia đình.
Mù tạc có thể dùng làm mặt nạ dưỡng da. Một lớp mỏng mù tạc vàng sẽ làm dịu và mềm mại hơn làn da mặt. Nhưng hãy thử nó trên một vùng nhỏ trước, để chắc rằng da bạn không bị dị ứng hay kích thích.
Mù tạc còn là chất khử mùi rất tốt. Chỉ cần thoa một lớp mù tạc vào đồ dùng đã rửa sạch, như chai lọ hay chén đĩa lâu ngày, sau đó ngâm nước ấm. Sau khi phơi khô, mùi hôi sẽ không còn.
Cũng như các loại gia vị khác, mù tạc có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng, nhưng cần tránh xa nơi nóng và ánh sáng. Các tố nhất là để tủ lạnh, vì dầu mù tạc cùng các hương liệu và gia vị trong nó sẽ tiêu tan nhanh hơn khi không làm lạnh.