Món ngon mùa nắng – canh rau sắng xua tan bức bối trong người

Không phải sơn hào hải vị, nhưng vào ngày hè nắng nóng, một bát canh rau sắng với vị ngon, ngọt tự nhiên sẽ xóa tan cơn nóng bức bối trong người. Không chỉ ngon mát, rau sắng vừa an toàn vừa tốt cho sức khỏe.

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Bài thơ “Rau sắng chùa Hương” của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca. Và rau sắng chùa Hương được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã nhất là vừa mới đây, rau sắng đã được định danh thương hiệu trên thị trường nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên không phải rau sắng (rau ngót rừng) chỉ có mỗi ở chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) mà là loại rau rất gần gũi với các người dân miền núi phía Bắc. Rau sắng có vào mùa xuân, khoảng tháng 2 bắt đầu ra đọt và tháng 3, tháng 4 lá xòe tốt tươi.

Món ngon mùa nắng – canh rau sắng xua tan bức bối trong người - 1

Rau sắng. Ảnh minh họa

Người ta tìm hái ngọn rau sắng xanh mướt trên rừng, dọc theo những ngọn núi, rồi buộc thành từng bó gọn gàng trước khi đưa xuống chợ bán để phục vụ người dân miền xuôi. Và bất cứ ai được dịp thưởng thức rau sắng đều “phải lòng” bởi vị ngon, ngọt tự nhiên của nó.

Cũng bởi vị ngọt không thể lẫn với bất cứ loại rau nào khác mà người ta đặt cho nó một cái tên khác dễ kêu hơn, rau mì chính.

Rau sắng, tức rau mì chính có thể nói là “dễ tính” bởi có thể kết hợp với nhiều thực phẩm khác như tôm nõn, thịt băm, cá quả, thịt gà, giò sống… để tạo nên những món canh ngon.

Dù vậy, người dân miền núi vẫn truyền miệng nhau cách nấu canh rau sắng đơn giản nhất là nấu suông. Chỉ cần nồi nước sôi, thả rau sắng cùng thịt, tôm… và nêm đủ gia vị mắm, muối vào nồi canh chờ sôi bùng lên vài lượt là có thể tắt bếp.

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần rất giàu chất đạm. Những người mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý. Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt.

Đang vào mùa rau sắng, bạn có thể tham khảo cách nấu canh rau sắng dưới đây để bổ sung vào thực đơn gia đình của mình:

Rau sắng nấu thịt băm

Chuẩn bị:

2 bó rau sắng: lặt lá rửa sạch và vớt ra vò sơ. Có thể ngâm thêm chút muối.

150g thịt băm: nêm gia vị

Gia vị: hạt nêm, muối, tiêu.

Món ngon mùa nắng – canh rau sắng xua tan bức bối trong người - 2

Cách làm:

Cho nồi lên bếp, cho chút dầu vào xào thịt bằm cho chín vớt ra. Tiếp tục cho 800ml nước vào nấu sôi, cho thịt bằm, rau sắng vào nấu chín. Nêm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.

Rau sắng nấu tôm khô

Chuẩn bị :

20g tôm khô rửa sạch đem ngâm với nước cho nở.

500g rau ngót lặt lá, rửa sạch.

Gia vị: muối, tiêu, bột ngọt, đường.

Cách làm:

Tôm khô sau khi ngâm cho nở, chắt nướci , dùng chày dã cho nát để nấu canh có vị ngọt. Cho tôm dã nát vào nồi cùng 1l nước nấu sôi. Khi nước đã sôi, cho rau sắng vào nấu, thêm gia vị cho vừa ăn. Đợi rau chín thì tắt bếp. Khi bắc nồi xuống nhớ mở nắp nồi để tránh rau bị nhũn.

Những tác dụng của cây rau sắng

Khác với rau ngót nhà, rau ngót rừng có vị ngọt hơn và có mùi vị đặc trưng của rau rừng. Rau sắng thường xuất hiện vào mùa hè, và rất đắt có khi lên tới 100 000/ kg. Tuy nhiên thưởng thức một món canh rau sắng hương vị rừng núi thật không uổng, bởi hương vị thơm ngon khó tả, làm ta lưu luyến mãi khó quên.

Rau sắng không chỉ là món ăn ngon mà còn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhất là đối với phụ nữ mang thai. Từ xưa, các cụ đã coi rau sắng không chỉ là một món ăn thông thường, mà còn có tác dụng chữa dị ứng, chữa đổ mồ hôi trộm, chứng đái dầm ở trẻ em…

Theo Đông y, lá và rễ rau sắng đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau sắng chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau sắng còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc… Rễ rau sắng rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp. Nhân dân ta thường dùng rau sắng chữa sót nhau thai cho các sản phụ sau đẻ hoặc sảy thai…

Theo nghiên cứu, trong 100g rau sắng có chứa tới 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg ka-li, 15,7mg sắt, 13,5mg man-gan, 0,45mg đồng, 85mg vitamin C, 0,033mg B1, 0,88mg B2… Rau sắng rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa can-xi gây loãng xương và sỏi thận. Với những thành phần trên, rau sắng được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp.

Thứ rau dại thành đặc sản, dễ nhầm với cây có độc

Cây lu lu mọc hoang khắp nước ta, thường thấy ở các bãi hoang, vườn ruộng khô, hai bên đường. Cây còn tên là lu lu đực,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Anh ([Tên nguồn])
Đặc sản 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN