Món chè người Hoa 'tên bốc mùi' không phải ai cũng dám ăn

Sự kiện: Món ăn Trung Quốc
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TP HCM - Chè 'phân gà' (hay còn gọi 'cáy xỉa thằng') là món ăn vặt tốt cho sức khỏe của người Hoa nhưng không phải ai cũng dám thử vì mùi vị khá đặc trưng.

Chè phân gà của người Hoa.

Chè phân gà của người Hoa.

Món chè "phân gà" là một đặc sản của người Hoa ở phía Nam Trung Quốc (vùng Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam) được du nhập về Việt Nam theo người dân di cư. Món này không phổ biến và chỉ được bày bán ở một số ít quán trong cộng đồng người Hoa tại khu vực Quận 11 và Tân Phú (TP HCM).

Món ăn gây ấn tượng với thực khách ngay từ tên gọi, thậm chí khiến nhiều người không dám thử hay liên tưởng tới những công đoạn chế biến rùng rợn. Nhưng trên thực tế, đây chỉ là tên gọi của nguyên liệu nấu chè. Món ăn này được làm từ lá cây phân gà (tên khoa học là paederia foetida, hay cây mơ lông), một loại cây dây leo, thường mọc thành bụi, có tác dụng tốt cho sức khỏe như giảm ho, giảm đau, trị đau xương khớp, bổ máu cho phụ nữ, thanh nhiệt, sát trùng, trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, trừ thấp tiêu thũng. Đây được xem như một loại thuốc Đông y, thậm chí còn được gọi là "nhân sâm đất".

Ở TP HCM, bạn có thể mua nguyên liệu thô (bên trái) sau đó về nhà tự nấu.

Ở TP HCM, bạn có thể mua nguyên liệu thô (bên trái) sau đó về nhà tự nấu.

Món chè phân gà không có mùi hôi thối như nhiều người lầm tưởng. Lá mơ lông chỉ có mùi hăng nồng của lá, khi qua chế biến đã được khử bớt một phần. Về nguồn gốc tên gọi "phân gà", nhiều người cho rằng do cây mọc ở các bụi rậm, quanh chuồng lợn, chuồng gà nên bị ám mùi. Ngoài ra, khi chà xát lá cây lên tay, mùi hăng nồng hơn.

Khi nấu chè, lá cây được xay thành bột, sau đó trộn với bột năng và nhào thành những dải dài. Một số nơi thường vo thành viên tròn, có màu xanh đen. Sau đó, mang đi trụng (chần) với nước sôi trước khi bỏ vào chè. Công đoạn trụng khá cầu kỳ, phải canh lửa, thời gian cho phù hợp để không bị sống sượng hay quá nhũn, ăn vẫn còn vị dai dai. Phần nước được nấu từ đường và gừng nên có vị ngọt thanh, cay cay, ấm nóng, giúp trung hòa với tính thanh mát của lá mơ. Món này ăn nóng sẽ càng ngon, để nguội sẽ hơi có mùi hăng.

Tiktoker Chợ Lớn Downtown review chè phân gà

Ở TP HCM, rất ít nơi bán món chè phân gà. Một trong số đó là quán nhỏ phía trước Miếu Quan Âm trên đường Trịnh Đình Thảo (quận Tân Phú), chỉ bán vào ngày mùng Một và ngày rằm Âm lịch hàng tháng. Quán đã mở được gần 20 năm. Giá một chén chè là 16.000 đồng, bán từ sáng tới chiều, khá đông khách. Những ngày khác trong tuần, chủ quán bán nguyên liệu thô (bột chè đã được lăn bột, mua về chỉ cần trụng và nấu nước đường gừng) ở trong chợ Phú Trung.

Ngoài chè phân gà, một số nơi ở Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam hiện nay còn có món bánh phân gà, cũng được làm từ cùng một loại lá những chế biến theo công thức khác, có nhân hoặc không, dùng làm món ăn nhẹ, điểm tâm vào ngày Tết Thanh Minh. Một số nơi ở đảo Hải Nam vẫn còn giữ truyền thống ăn loại bánh này vào ngày mùng Một tháng 7 Âm lịch. Người dân ăn bánh và chè phân gà bốn mùa trong năm, được coi là một loại đặc sản truyền thống, mùa hè thanh nhiệt thải độc, mùa đông nấu cùng gừng và đường nâu giúp làm ấm cơ thể.

Bánh phân gà ở Trung Quốc, phổ biến ở vùng Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam.

Bánh phân gà ở Trung Quốc, phổ biến ở vùng Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Những món ăn đặc sản này là một thử thách ẩm thực đối với bất cứ du khách nào khi tới Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nguyên ([Tên nguồn])
Món ăn Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN