Mê mệt với bánh khúc gỗ Nhật Bản

Chiếc bánh như những đường vân gỗ gồm hàng chục lớp bánh mỏng tang, mềm mại.

Mang hình dáng của một khúc gỗ xù xì nhưng ẩn chứa bên trong là hàng chục lớp bánh mỏng tang, mềm mại khiến ai từng có dịp nếm thử bánh Baumkuchen của Nhật Bản đều nhớ mãi.

Baumkuchen có nguồn gốc từ Đức, theo tiếng Đức có nghĩa là bánh cây vì được tạo thành từ nhiều lớp bột mỏng xếp chồng lên nhau trông giống như những đường vân gỗ ở thân cây cổ thụ cắt ngang.

Mê mệt với bánh khúc gỗ Nhật Bản - 1

Baumkuchen được mệnh danh là vua của các loại bánh, có lẽ vì sự cầu kỳ tỉ mỉ để làm ra chiếc bánh này.

Ngày trước, chiếc bánh baumkuchen phải được làm theo đúng cách để thành hình khúc gỗ hình trụ với nhiều vân tròn. Một thanh dài được dùng làm "lõi" bánh, thanh này sẽ liên tục quay tròn đều, bột bánh liên tục được phết đều lên khắp thanh lõi này. Lớp bánh này chín thì lớp bột tiếp theo lại được quét đều lên. Cứ như thế đến khi được rất nhiều lớp vân vòng tròn.

Mê mệt với bánh khúc gỗ Nhật Bản - 2

Chiếc bánh Baumkuchen xuất hiện đầu tiên ở nước Đức vào khoảng thế kỷ 18 khi mà những người làm bánh ở đây luôn nghĩ ra phương pháp mới để tạo ra những hương vị bánh khác nhau. Vì bánh được tạo thành từ nhiều lớp nên có độ xốp, giòn lạ miệng.

Baumkuchen du nhập vào Nhật có lẽ là do phương pháp làm phức tạp của nó bởi hơn ai hết, người Nhật luôn ưa thích sự tỉ mẩn, chi tiết và kỳ công. Do đó, Baumkuchen nhanh chóng được người Nhật đón nhận và xem như là loại bánh đặc trưng của quốc gia.

Mê mệt với bánh khúc gỗ Nhật Bản - 3

Người mang bánh Baumkuchen đến Nhật Bản lần đầu tiên là Karl Juchheim, một công dân Đức. Juchheim là nhà làm bánh kẹo. Vào đầu những năm 1910, chàng thanh niên ngoài 20 tuổi này cùng vợ đến thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc để kinh doanh.

Vào năm 1914, đó cũng là giai đoạn xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất, quân đội Nhật Bản và Anh chiếm được căn cứ hải quân ở Thanh Đảo của Đức. Gia đình Juchheim được đưa đến Nhật Bản như là tù nhân chiến tranh.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Juchheim quyết định cùng gia đình định cư tại Nhật. Năm 1921, ông mở cửa hàng bánh ngọt ở thành phố Yokohama. Juchheim trong vai trò là thợ làm bánh chính của cửa hàng, trong khi nhân viên giúp việc hầu hết là người Nhật. Tại cửa hàng mới này, Juchheim bắt tay vào làm bánh Baumkuchen.

Mê mệt với bánh khúc gỗ Nhật Bản - 4

Khi công việc kinh doanh của cửa hàng thuận lợi thì cũng là lúc xảy ra biến cố. Vào ngày 1/9/1923, trận động đất lịch sử có tên gọi Đại Kanto mạnh 7,9 độ richter phá hủy nhiều phần của Thủ đô Tokyo và thành phố cảng Yokohama. Cửa hàng bánh của gia đình Juchheim cũng chịu chung số phận.

Sau một thời gian quay về Đức, vào những năm 1950, vợ của nhà kinh doanh bánh ngọt quá cố Juchheim trở lại Nhật Bản để mở rộng thương hiệu của chồng. Bà thành lập công ty bánh ngọt Juchheim ở Kobe.

Hơn nửa thế kỷ qua, công ty vẫn tuân thủ những quy tắc làm bánh Baumkuchen truyền thống của Đức. Hiện nay, bánh Baumkuchen của công ty này nằm trong số các loại bánh ngọt được ưa chuộng nhất tại Nhật.

Mê mệt với bánh khúc gỗ Nhật Bản - 5

Ở Nhật, người ta thường dùng Baumkuchen để tặng quà thay cho lời chúc sống lâu và thành đạt, thậm chí còn dùng cho lễ cưới. Tuy nhiên, nó phổ biến hơn với vai trò một món điểm tâm. Ở đây, du khách có thể tìm mua Baumkuchen tại các cửa hàng như: Kitakaro ở Hokkaido, Villon ở Tokyo, Juchheim ở Kobe, Minamitei ở Chiba…  Mỗi cửa hàng sẽ có những hương vị Baumkuchen đặc trưng bên cạnh hương vị truyền thống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Anh tổng hợp (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN