Mâm cơm hè Hà Nội nấu theo lối cũ

Sự kiện: Thực đơn

Ba chỉ tẩm húng lìu rán, đậu phụ dấp hành, canh chua cá nấu quả dọc, muối vừng, rau sống là những món truyền thống dễ ăn, đủ dưỡng chất vào ngày hè.

Nguyên liệu

- 500 gr ba chỉ

- 400 gr đầu hoặc đuôi cá

- 4 - 5 bìa đậu phụ

- 3 quả cà chua

- 3 quả su su, 1 củ cà rốt

- 1 quả dọc nấu riêu cá

- Hành khô, hành lá, thì là

- Rau ghém ăn kèm (xà lách, rau mùi, tía tô, kinh giới...)

- Gia vị: Mắm truyền thống, muối, húng lìu, xì dầu

- Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (mận cơm, nhãn đầu mùa...)

Mâm cơm hè Hà Nội nấu theo lối cũ - 1

Cách làm

Ba chỉ tẩm húng lìu rán

Đây là món ăn truyền thống Hà Nội dễ chiều vị giác vào ngày hè. Phần bì bên ngoài hơi giòn, phần thịt ba chỉ mềm ngọt mà không quá ngậy, dậy mùi thơm đặc trưng của húng lìu, ăn kèm rau sống chấm xì dầu khá hợp.

Mâm cơm hè Hà Nội nấu theo lối cũ - 2

Tùy theo khẩu vị mỗi người có thể thay thịt ba chỉ bằng thịt nọng giòn cũng ngon và lạ miệng. Gia vị tẩm ướp cơ bản là húng lìu và nước mắm truyền thống, một số nhà thêm hành, tỏi, hạt tiêu tăng thêm hương vị. Thịt tẩm húng lìu rán chấm cùng xì dầu càng cua ăn với dưa cà hoặc kiệu muối đều hợp.

Canh cá nấu quả dọc

Mùa hè nóng nực, những món canh chua như riêu cá, riêu cua, riêu trai, riêu trùng trục... luôn được ưu ái trong thực đơn của người Hà Nội. Với đặc trưng bốn mùa rõ rệt, miền Bắc có nhiều quả chua mang phong vị riêng từ chua dịu, chua thanh tới chua đượm, chua sắc. Mỗi loại quả chua lại phù hợp với từng loại riêu khác nhau. Trong đó, nấu riêu cá với quả dọc mang lại cho bát canh có màu vàng chanh sóng sánh đẹp mắt. Một bát canh đủ sắc - hương - vị với cá ngọt mềm tự nhiên, nước canh chua thanh, nổi bật sắc đỏ au từ cà chua, dậy mùi thơm của thì là, hành lá dễ kích thích vị giác.

Mâm cơm hè Hà Nội nấu theo lối cũ - 3

Người nội trợ Hà thành thường dùng đầu cá trắm đen, trắm trắng hoặc cá chép nấu canh chua quả dọc đều ngon. Canh cá nấu chua miền Bắc phải cho thêm thì là, hành hoa làm dậy mùi thơm và tròn vị.

Đậu phụ dấp hành

Người nội trợ Hà thành xưa có tài chế biến và phối vị hài hòa âm dương biến những món ăn dân dã trở nên cao sang và mang dấu ấn đặc trưng riêng. Đậu phụ theo Đông y vốn mang tính hàn còn hành hoa vị cay, tính bình giúp cân bằng vị giác. ''Dấp'' là từ cổ của người Bắc ý chỉ đặt vào bát mắm hành, nhúng qua rồi nhấc ra, kỹ thuật này đòi hỏi thao tác nhanh và liên tiếp từng đợt để làm sao làm ướt mắm hành bao phủ toàn bộ nhưng không đẫm hay sũng đẫm quá như ngâm mới đạt chuẩn vị. Ngày nay, không ít người gọi món ăn này là đậu tẩm hành nhưng xét kỹ sẽ khác về thao tác chế biến so với lối cũ.

Mâm cơm hè Hà Nội nấu theo lối cũ - 4

Từng miếng đậu phụ bên ngoài vàng ươm, bám đều hành lá các mặt, khi ăn giữ được độ mềm mịn, béo bùi, vị vừa vặn, thoảng mùi thơm đặc trưng của hành lá. Đậu phụ dấp hành ăn cơm trắng hay chuẩn vị hơn là thưởng thức cùng cháo đậu đen hoặc đậu xanh để nguội, vài ba quả cà nén là món quà chiều trứ danh của người Hà thành xưa.

Rau củ quả luộc chấm muối vừng

Mùa hè, nhiều rau củ quả vào vụ nên ngon và chi phí lại rẻ. Để tăng cường chất xơ và cân bằng vị nên làm thêm đĩa rau củ quả luộc. Chú ý khi luộc củ quả nên gọt rửa sạch nhựa, tùy theo khẩu vị mà luộc giòn ngọt hoặc nhà có người già, trẻ em muốn mềm hơn thì ngâm một lúc. Củ quả luộc hợp nhất là chấm với muối vừng.

Mâm cơm hè Hà Nội nấu theo lối cũ - 5

Dưa cà muối

Cà muối xổi, sung muối là những món ăn dễ đưa miệng ngày hè.

Tuy nhiên các món này có độ axit cao, lại nhiều muối chỉ ăn khoảng 50 gr mỗi tuần. Những người bị bệnh dạ dày, thận, cao huyết áp hoặc phụ nữ mang thai hạn chế ăn.

Tráng miệng: Hoa quả theo mùa (mận cơm, nhãn đầu mùa).

Nguồn: [Link nguồn]

Hạt sen không chỉ bổ dưỡng mà còn có thể chế biến thành nhiều món ngon. Tuy nhiên, mùa hạt sen tươi thường rất ngắn, vì vậy cần áp dụng đúng cách để bảo quản sen tươi giữ được hương vị và màu sắc hấp dẫn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bùi Thủy ([Tên nguồn])
Thực đơn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN