Ly kỳ sinh tố bạch dương

Nếu uống trực tiếp nước mới lấy từ thân cây, bạn sẽ thấy có vị ngọt thao thảo và hơi ngai ngái, nhưng dễ chịu vô cùng.

Nếu từng đi rừng ở Việt Nam, chắc bạn sẽ không xa lạ với việc những người dẫn đường thành thạo tìm những thân cây họ trúc hay cây luồng non. Chỉ cần lấy dao vát chéo một đọt ống, họ đã có được một lượng nước kha khá để uống.

Còn ở Nga, trong những dịp đi rừng, chúng tôi lấy nước uống từ thân cây bạch dương. Đừng ngạc nhiên, nếu bạn nghĩ rằng bạch dương là cây thân gỗ khô khan thì lấy đâu ra nước?

Có đấy, phương pháp sẽ như thế này: lấy một chiếc bình nhựa loại chừng 5 lít, buộc hoặc treo cố định bình lên thân cây bạch dương ở vị trí ngang tầm vai.

Ly kỳ sinh tố bạch dương - 1

 Một anh bạn Nga đang lấy nước từ thân cây bạch dương

Ở phần thân bạch dương, chừng 10-20cm phía trên miệng bình, bạn dùng dao khía hai vạch tạo thành hình chéo sâu qua lớp vỏ vào thân cây. Nhớ làm sạch phần vỏ xung quanh trước khi thực hiện.

Rồi dùng một miếng vải sạch, một đầu gài vào phần vỏ bạch dương giống như cắm cành ghép vào thân cây vậy, đầu kia thả vào miệng bình. Miếng vải này sẽ hoạt động với vai trò đường dẫn nước từ thân bạch dương vào bình đựng.

Vậy thôi, phần việc còn lại chỉ là chờ đợi. Thời điểm phù hợp nhất để lấy nước từ thân bạch dương là vào buổi tối. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng hai l‎ý do phù hợp nhất, một là buổi đêm về sáng, lượng nước trong thân cây thu được nhiều hơn so với ban ngày. Đây cũng là kinh nghiệm được những người đi trước truyền lại.

Ly kỳ sinh tố bạch dương - 2

Lấy vào ban đêm là thích hợp nhất

Còn l‎ý do thứ hai, ấy là không phải chờ đợi. Khoảng 7-8 giờ tối, sau bữa ăn, vừa tranh thủ kết hợp đi dạo một vòng, vừa mang theo bình đựng. Đặt bình lấy nước xong, bạn quay về nhà và yên tâm ngủ một giấc. Sáng hôm sau thức dậy, quay lại bìa rừng đã thấy các bình gần đầy "sinh tố" bạch dương. Vậy là với 10 tiếng đồng hồ, bạn đã có được chừng 3-5 lít nước bạch dương tuyệt vời, và miễn phí hoàn toàn từ thiên nhiên.

Khi thời tiết bắt đầu ấm dần lên, tuyết bắt đầu tan, nước bắt đầu chảy len lỏi trong các dòng suối nhỏ, ấy cũng là thời điểm thích hợp để lấy nước. Nguồn dinh dưỡng này chảy khắp thân bạch dương, mang nguồn sống đến cho những chồi non sinh sôi.

Ly kỳ sinh tố bạch dương - 3

Nước từ cây bạch dương được gọi là birch juice - tức sinh tố bạch dương

Biết được điều ấy, những người lấy nước cũng tuân theo quy định dân gian là dừng lại khi thấy cây bắt đầu đâm chồi. Họ cũng trân trọng nguồn tài nguyên của tự nhiên ấy bằng cách không lấy quá nhiều nước từ một cây, hay làm tổn thương thân cây quá mức.

Với người dân Nga, thứ nước lấy từ thân cây bạch dương này cũng mộc mạc như chính bản thân họ vậy. Nó mang một nét nào đó đặc trưng kiểu “quốc hồn quốc túy”, giản dị mà bình thường thì ít ai để ý vì nó quá gần gũi. Nhưng đến khi đi xa, bất chợt lại nao lòng khi nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của một chai nước uống bạch dương đâu đó.

Tôi còn nhớ mãi một cảnh trong bộ phim truyền hình đình đám Brigada, bộ phim mà có lẽ chỉ trừ những em nhỏ chưa biết coi ti vi, còn lại người dân Nga ai cũng mê đắm. Trong đó, anh chàng Sasa Beli khi đã trở nên thành đạt, đưa vợ mình vào một nhà hàng sang trọng. Tại đây, vợ anh đã gọi sinh tố bạch dương làm đồ uống cho mình.

Nếu uống trực tiếp nước khi mới lấy từ thân cây, bạn sẽ thấy có vị ngọt thao thảo và hơi ngai ngái, nhưng dễ chịu vô cùng. Còn loại sinh tố bạch dương đã được chế biến thì thật sự không được ngon và tinh khiết bằng. Sinh tố bạch dương thường được đóng chai và bán ở thành phố với giá ngang với sữa tươi.

Ly kỳ sinh tố bạch dương - 4

Lấy nước từ cây bạch dương - một hình ảnh rất Nga

Do thành phần có hơn 2% là đường, nên ngày nay nước bạch đương được dùng làm nguyên liệu chế biến các loại đồ uống khác. Ở những quốc gia khác như Canada, hay Bắc Mỹ, tương tự như bạch dương, người dân bản địa lấy nước từ thân cây phong. Theo kinh nghiệm dân gian, nó có tác dụng kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, dùng khi mắc các bệnh về đường hô hấp… hay dùng để gội đầu làm tốt tóc hơn.

Từ phần nước ngọt ngào từ bạch dương này, người ta còn chế biến thành rượu vang bạch dương, siro bạch dương, và kvass bạch dương nữa. Kvass (*) bạch dương khá phổ biến, nhất là vào mùa xuân. Những loại đồ uống còn lại thì ngày nay rất hiếm nơi làm. Hẹn một ngày không xa nào đó, khi có dịp quay lại nước Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến (ihay)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN