Loại nấm đắt nhất thế giới mọc từ con sâu bướm đã chết, là viagra tự nhiên đắt đỏ
Loại nấm này có giá trị rất cao, được xem là có tác dụng cải thiện ham muốn tình dục, biểu tượng cho người có quyền lực.
Loại nấm đắt nhất thế giới không phải là nấm cục truffle hay nấm tùng nhung Matsutake, mà là một loại nấm mọc từ sâu bướm chết trên dãy Himalaya. Nó có giá 50.000 USD/pound, trong khi những loại nấm cục đắt nhất thế giới chỉ có giá 8.000 USD/pound.
Loại nấm đắt tiền này trong tiếng Tây Tạng gọi là yartsa gunbu (đông trùng hạ thảo), có nghĩa mùa đông nó là côn trùng nhưng mùa hè biến thành cây cỏ. Nó được đánh giá cao như một vị thuốc kích thích tình dục và biểu tượng cho người có địa vị cao.
Đông trùng hạ thảo là gì?
Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis, thuộc nhóm nấm Ascomycetes trên cơ thể của một vài loài bướm trong chi Thitarodes Viette.
Khi đông trùng hạ thảo còn sống, người ta có thể trông thấy rõ hình con sâu, với cái đuôi là một cành cây nhỏ, mọc lá. Khi sấy khô, nó có mùi tanh như cá, nướng lên lại có mùi thơm. Kích thước của nó dài khoảng 4 – 11cm, rất dễ nhận biết.
Loài nấm này phân bố ở trên cao nguyên Tây Tạng và dãy Himalaya, ở độ cao từ 3.000 đến 5.000m. Cơ chế xâm nhiễm của loài nấm này vào cơ thể của sâu bướm hiện giờ vẫn chưa rõ. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào ấu trùng bướm, làm chết sâu non vì hút hết chất dinh dưỡng của chúng.
Những con sâu này có thể đã nhiễm phải bào tử nấm hoặc chúng mắc bệnh nấm ký sinh từ các lỗ thở. Đến khi nấm phát triển mạnh, chúng xâm nhiễm vào các mô vật chủ, hút hết các chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu. Đến một giai đoạn nhất định thường là vào mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành dạng cây (hình dạng giống thực vật) và phát tán bào tử.
Loại nấm quý giá nhiều người khao khát có được
Giá của đông trùng hạ thảo đã tăng theo cấp số nhân trong thập kỷ qua. Loại nấm quý hơn vàng này được người dân nghèo đổ xô đi tìm kiếm.
Vào mùa xuân, đặc biệt là người Nepal sẽ đi tới các vùng núi cao để tìm đông trùng hạ thảo suốt vài tuần liền. Một vụ thu hoạch bội thu có thể tăng gấp ba thu nhập hằng năm của người Nepal. Thu nhập trung bình hằng năm của người dân trong khu vực là 247 USD nên không có gì ngạc nhiên khi mọi người tìm kiếm loại nấm này như một cách tăng thu nhập. Ở một số vùng, một loại nấm có giá trị hơn một ngày làm việc của một người lao động chân tay.
Tuy nhiên, việc đi tìm kiếm đông trùng hạ thảo cũng có thể có những tác động tiêu cực, chẳng hạn như tạo ra xung đột giữa người dân. Vào tháng 11/2011, 19 người đã bị kết tội giết 7 người khác khi đi tìm nấm.
Vậy tại sao người ta lại trả nhiều tiền như vậy cho loại nấm này? Điều này có liên quan tới y học cổ truyền Trung quốc trong nhiều thế kỷ. Lần đầu tiên đề cập đến đông trùng hạ thảo là bởi một bác sĩ Tây Tạng vào thế kỷ 15.
Trong một cuốn sách hướng dẫn về các loại thuốc, đông trùng hạ thảo được coi là một loại nấm có tác dụng cân bằng âm dương rất tốt, vì nó là sự kết hợp giữa động vật và thực vật.
Đông trùng hạ thảo còn được coi là một vị thuốc có tác dụng kích thích tình dục, một loại “viagra tự nhiên của dãy Himalaya”. Tuy nhiên, tuyên bố này không có cơ sở khoa học và chưa được chứng minh.
Trong các ghi chép về đông dược cổ, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc bổ có tác dụng tốt đối với người bị thận hư nhược, liệt dương, đau lưng, mỏi gối, ho hen lâu ngày, bổ phế, trẻ em chậm lớn, còi cọc, tăng cường miễn dịch.
Quan trọng nhất, loại nấm này hiện là biểu tượng của địa vị. Trung Quốc là thị trường chính của đông trùng hạ thảo, những người giàu sử dụng nó để thể hiện tầm ảnh hưởng của họ, chẳng hạn, họ mua để tặng khách.
Nhu cầu về đông trùng hạ thảo đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Lý do có thể là do nhiều người biết về nó hơn, thu nhập của người Trung Quốc tăng cao, đủ khả năng mua thay vì không có như trước đây.
Ảnh hưởng đến môi trường
Việc thu hoạch đông trùng hạ thảo có thể ảnh hưởng đến môi trường. Mặc dù loại nấm này đã được săn lùng trong nhiều thế kỷ nhưng chưa bao giờ nó lại được ưa chuộng như ngày nay.
Hiện nay, do sự săn lùng và hoạt động khai thác quá mức Đông trùng hạ thảo tại Nepal, loại nấm này đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những người tìm kiếm đông trùng hạ thảo cũng có thể gây tác động tiêu cực đến môi trường khi họ chặt quá nhiều cây cối để tìm và xả rác xung quanh.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hoạch, đồng cỏ khô héo sẽ khiến đông trùng hạ thảo không thể phát triển. Với ít thức ăn hơn, ấu trùng bướm đêm sẽ không thể tồn tại thuận lợi và số lượng chúng sẽ ít hơn.
Loại nấm này có thể được người ta trồng nhân tạo trên các loại ngũ cốc và chất lỏng ở Trung Quốc, nhưng chưa ai có thể trồng nó trên sâu bướm. Nếu muốn có đông trùng hạ thảo tự nhiên, buộc người ta phải có phương pháp thu hoạch hợp lý để cho nấm còn giải phóng bào tử.
Nguồn: [Link nguồn]
Có rất nhiều lý do khiến cho cá ngừ vây xanh trở nên đắt đỏ bậc nhất trong ẩm thực Nhật Bản.