Loại hạt thần kỳ ở châu Phi, từng là thực phẩm cứu đói, xuất hiện cách đây 5000 năm
Bạn đã từng nghe tới cái tên fonio chưa? Đây là một loại hạt nằm trong danh sách siêu thực phẩm, nó rất ngon, không chứa gluten và giàu chất dinh dưỡng.
Fonio là gì?
Fonio là một loại siêu thực phẩm mới được công nhận trong thời gian gần đây. Trên thực tế, nguồn gốc của loại ngũ cốc này có từ 5.000 năm trước ở châu Phi. Nó thuộc họ kê, có hình dạng như hạt mắc ca thu nhỏ. Để dễ hình dung hơn, 1.000 hạt fonio trắng hoặc đen chỉ nặng 0,5g, trong khi 1.000 hạt gạo nặng tới 22g.
Đầu bếp nổi tiếng người Senegal có tên Pierre Thiam đánh giá rất cao loại ngũ cốc này. Ông đã miêu tả fonio có “hương vị thơm ngon, hấp dẫn và có mùi của đất”, đặc biệt có thể thay thế cho hầu hết các loại ngũ cốc khác.
Lợi ích sức khỏe tuyệt vời của fonio
Fonio không chứa gluten, rất bổ dưỡng và trọng lượng cực kỳ nhẹ, là giấc mơ của những người yêu thích siêu thực phẩm. Nó giàu protein, chứa các axit amin mà hầu hết các loại ngũ cốc khác không có. Nó cũng là một loại carbohydrate hàng đầu, rất giàu chất xơ, dễ tiêu hóa và giải phóng năng lượng từ từ.
Ngoài ra, hàm lượng canxi, kẽm, magiê, mangan và chất sắt trong fonio gấp đôi gạo lứt. Đặc biệt, nó có hàm lượng đường thấp, vì vậy ngay cả bệnh nhân tiểu đường cũng có thể tiêu thụ.
Quá trình trồng trọt và sản xuất của fonio
Một trong những điểm thực sự khiến cho fonio trở thành siêu thực phẩm là vì khả năng sinh trưởng của nó. Siêu thực phẩm này có khả năng cứu đói rất nhiều người.
Fonio được trồng ở các khu vực khô cằn của châu Phi, nơi các cây trồng khác phải vật lộn để tồn tại, sinh trưởng tốt trong điều kiện đất đai không màu mỡ, thiếu nước. Nói cách khác, đây là loại ngũ cốc có khả năng chống hạn cực cao. Nó cũng không cần phân bón, từ lúc hạt nảy mầm cho đến khi thu hoạch có tốc độ phát triển nhanh hơn bất kỳ loại cây trồng nào khác được thu hoạch ở các vùng tương tự, chỉ mất từ 6 đến 8 tuần.
Ở những khu vực sa mạc hóa đã hủy hoại đất đai và cơ hội việc làm, buộc người dân phải rời đi nơi khác để sinh sống, fonio vẫn phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao nó còn được gọi là “hạt thần kỳ”.
Đầu bếp Pierre Thiam tình cờ biết được hạt fonio ở vùng Kedougou, miền đông nam Senegal. Ông chưa bao giờ nhìn thấy nó ở Dakar, nơi những loại ngũ cốc không được trồng trong nước, chẳng hạn như lúa mì.
Thiam giải thích: “Quá trình chế biến truyền thống fonio tốn nhiều công sức và thời gian, đặc biệt khi so sánh với các loại ngũ cốc khác”. Ông cho biết thêm, thời gian để tách hạt và trấu fonio tốn nhiều công sức nên việc đưa loại ngũ cốc này ra thị trường thương mại gặp nhiều cản trở.
Tuy nhiên, với sự tiến bộ của các phương pháp xay xát hiện nay, fonio dần trở nên phổ biến hơn. Giờ đây, nó thường được dùng trong món salad kiểu tabbouleh hoặc để thay thế cho các món hầm.
Fonio còn được nấu thành cháo hoặc làm thành mỳ. Sau khi nghiền thành bột không chứa gluten, nó còn được sử dụng để nấu bia. Thậm chí, đầu bếp Pierre Thiam còn nghĩ ra công thức làm salad trái cây fonio, bánh croquettes fonio và sushi fonio. Mặc dù có nhiều biến thể nhưng ở Senegal, “hạt thần kỳ” được nấu như cơm và ăn kèm với nước sốt đậu phộng.
Bạn có thể tìm mua fonio trong các chợ ở Kermel và Sandanga hoặc một số nhà bán lẻ thực phẩm châu Phi có trụ sở tại Dakar, chẳng hạn như Africa Gourmet.
Món ăn chế biến từ loại cây này từng cứu đói không ít người dân ở vùng quê Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]