Loại hạt ăn vặt ngày đông lại là nguyên liệu để chế biến đủ món thơm ngon, tốt cho tim mạch
Hạt dẻ vốn là loại hạt ăn vặt ngày đông. Ít ai biết, loại hạt này lại là nguyên liệu để chế biến đủ món thơm ngon và bổ dưỡng trong những ngày đông lạnh giá này.
Hạt dẻ tốt cho tim mạch
Vào mùa đông có nhiều các loại hạt xuất hiện, trong đó có loại hạt được mệnh danh là ‘vua của những loại hạt sấy khô’ là hạt dẻ. Hạt dẻ sau khi được chế biến mềm dẻo, ăn béo ngậy và có mùi thơm hấp dẫn. Đây là một món ăn vặt mùa đông được nhiều người ưa chuộng.
Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hạt dẻ là một vị thuốc quý trong Đông y. Hạt dẻ có tính ấm, vị ngọt, đi vào 3 kinh thận, tỳ, vị. Chúng giúp bổ thận, tăng cường chức năng tiêu hóa, dạ dày, cầm máu, chữa trị tiêu chảy do tỳ, vị hư hàn…
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, hạt dẻ chứa nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Hạt dẻ có chứa tới 5,7-10,7% protein, 62-70% chất đường, 2- 7,4% protid, tinh bột. Chúng còn chứa nhiều vitamin, arotene cùng các khoáng chất tốt cho sức khỏe như canxi, kẽm, sắt, kali… thiết yếu cho cơ thể.
Với hàm lượng dinh dưỡng cao, chất béo, chất oxi hóa mạnh, hạt dẻ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề tim mạch. Khi nấu chín, các chất oxi hóa không hề bị mất đi. Axit béo omega-3 trong hạt dẻ làm giảm triglyceride, nồng độ cholesterol xấu trong cơ thể. Ngoài ra, với vitamin C cao giúp việc hỗ trợ chức năng miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên tận dụng mùa hạt dẻ để bổ sung cho cơ thể.
Hạt dẻ khi luộc là món ăn vặt, nhưng chúng cũng lại là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn rất ngon miệng.
Một số món ngon từ hạt dẻ
* Hạt dẻ rang bơ
Hạt dẻ bùi bùi, rang thơm với chút bơ ngầy ngậy, rồi vị ngọt chầm chậm tan trong miệng hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm đặc biệt.
Nguyên liệu: 1kg hạt rẻ, bơ 20gr.
Cách làm:
Bước 1: Rửa sạch hạt dẻ rồi ngâm, sau đó dùng dao khía một đường nhỏ ở trên vỏ, đem luộc chín. Vớt hạt dẻ ra để cho ráo nước, sau đó bắc chảo lên bếp cho hạt dẻ đã luộc vào rang với lửa vừa và đều tay, tránh để khét.
Bước 2: Khi hạt dẻ rang tầm 15 phút, bạn cho bơ vào rang đều cho bơ ngấm vào hạt dẻ. Khi thấy bơ bám đều ở trên hạt dẻ là được. Món hạt dẻ rang bơ ăn nóng ngoài vị bùi của hạt dẻ còn ngậy, thơm của bơ rất ngon.
* Làm xôi hạt dẻ
Nguyên liệu: 500gr hạt rẻ; gạo nếp 1kg; nước cốt dừa khoảng 100ml, dừa nạo, muối tinh…
Cách làm xôi hạt dẻ:
Bước 1: Hạt dẻ rửa sạch rồi dùng dao khứa một đường trên vỏ, đem luộc chín hạt rẻ trong khoảng 20 phút. Tách vỏ rồi thái hạt thành miếng vuông nhỏ; Gạo nếp vo sạch rồi ngâm khoảng 2 – 3 tiếng, vớt ra để ráo nước.
Bước 2: Trộn hạt dẻ với gạo nếp, thêm chút muối rồi hấp chín. Khi xôi đã chín dẻo thì bạn rưới nướt cốt dừa lên trên, hấp thêm khoảng 10 phút. Xôi chín dẻo đều, khi ăn mọi người rắc thêm dừa nạo ăn cùng.
* Chân giò hầm hạt dẻ
Chân giò có thể hầm cùng nhiều loại củ, quả, và với hạt dẻ sẽ tạo một vị rất đặc biệt.
Nguyên liệu: 300gr hạt rẻ; 1kg thịt chân giò hoặc tùy lượng nhu cầu gia đình; hành tím, tỏi, hoa hồi, gừng, đường và các gia vị như hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu…
Cách làm:
Bước 1: Hạt dẻ rửa sạch đem luộc chín khoảng 20 phút. Sau khi chín bỏ ra bóc vỏ, cắt hạt làm đôi. Còn chân giò làm sạch, rửa với muối cho hết mùi hôi. Sau đó chặt khúc vừa ăn, trần sơ rồi vớt ra ướp với các gia vị nước mắt, hạt tiêu, hạt nêm khoảng 30 phút để trong tủ lạnh.
Bước 2: Hành, tỏi đập dập phi thơm. Đường thắng thành màu nước hàng, sau đó cho chân giò vào đảo cho thịt săn lại. Tiếp đó, đổ xâm xấp nước hầm với lửa nhỏ khoảng 30 phút. Khi thịt chín mềm cho hạt dẻ đã luộc chín và nêm gia vị vừa ăn, hoa hồi hầm thêm khoảng 10 phút. Chân giò, hạt dẻ chín mềm thì bạn cắt hành lá vào là dùng được.
Mặc dù hạt dẻ tốt cho sức khỏe nhưng có một số người nên hạn chế. Theo lương y Hồng Minh, những người bị bệnh dạ dày nên hạn chế vì nếu ăn quá mức làm sản sinh nhiều axit dạ dày, tăng gánh nặng cho dạ dày. Ngoài ra, người cao tuổi, trẻ nhỏ chức năng tiêu hóa kém nên ăn vừa phải. Ăn quá nhiều có thể dẫn tới một số triệu chứng như khó tiêu, đau bụng…
Nguồn: [Link nguồn]
Hạt dẻ trong dân gian được sử dụng trong nhiều bài thuốc để bồi bổ cơ thể sau khi ốm, mất ngủ, viêm phế quản, đau dạ dày hoặc để trừ giun sán...