Làm rượu nếp đón Tết Đoan Ngọ
Rượu nếp ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng; có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường!
Nguyên liệu:
- 1kg gạo nếp xay lật hay còn gọi là gạo nếp lứt
- 3 quả men rượu
- Nồi gốm, túi khóa zip cỡ to.
Cách làm:
Gạo nếp vo sạch, để ráo.
Cho gạo vào nồi cơm điện, nấu như nấu cơm, tuy nhiên bạn cho lượng nước ít hơn so với nấu cơm bình thường nhé. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể đồ như đồ xôi.
Cơm nếp chín đổ ra mâm rộng, tãi mỏng cơm cho nhanh nguội.
Men rượu gạt bỏ lớp vỏ trấu bằng cách xát 2 quả men vào nhau.
Giã mịn men.
Cơm sau khi đã nguội hoàn toàn bạn rây men vào.
Trộn đều cơm và men.
Tiếp tục rắc nốt phần men còn lại, trộn đều.
Ủ rượu nếp cái ngon nhất là dùng lá chuối khô, tuy nhiên ở thành phố hiện nay để tìm được lá chuối khô là điều không dễ dàng. Có thể thay thế bằng nồi gốm và túi khóa zip. Dùng kéo cắt tạo lỗ ở phần đáy túi khóa zip.
Cho cơm đã trộn men vào túi.
Trong nồi gốm đặt 1 bát hoặc đĩa nhỏ sau đó đặt tấm phên tre lên. Để như vậy để khi ủ rượu nước rượu sẽ chảy xuống chứ không bị đọng làm rượu dễ lên men cay.
Đặt túi khóa zip chứa cơm đã trộn men vào nồi.
Kéo miệng túi kín lại rồi đậy vung nồi để chỗ thoáng mát.
Với thời tiết nắng nóng như hiện nay bạn chỉ cần ủ khoảng 34 tiếng là rượu đã ngấu. Với thời tiết mát mẻ hơn bạn có thể tăng thời gian ủ. Cách kiểm tra cơm rượu đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng, rượu có vị ngọt, thơm, không bị chua hoặc cay.
Sau thời gian ủ, nước rượu chảy xuống dưới khá nhiều, bạn dùng chính nước này để tưới lên cơm rượu nhé.
Bạn nhớ để ý dỡ rượu khi đến độ, tránh ủ lâu sẽ làm rượu lên men cay và hạt cơm rượu bị xác.
Rượu nếp cái ủ đến độ là khi hạt cơm ngấu, căng mọng. Rượu nếp có hương thơm và vị ngọt tự nhiên mà bạn không cần phải dùng đến đường. Ngoài rượu nếp bạn có thể chuẩn bị các loại trái cây của mùa này như mận, xoài, lê, đào... để có một cái tết Đoan Ngọ thật xôm và đúng điệu nhé!