Lạ miệng món phở bò của người Chăm ở An Giang, nước dùng được ninh 15 tiếng
Người Chăm ở An Giang chỉ sử dụng thịt bò do người Chăm bán. Còn nước dùng cho món phở được ninh từ nhiều loại xương, nêm nếm thêm đường phèn và nhiều loại gia vị, thảo mộc.
Chị Ro Fi Ah (SN 1990, dân tộc Chăm) – chủ một quán phở bò ở Châu Đốc (An Giang) cho biết, tại địa phương, người Chăm theo đạo Hồi không ăn thịt lợn mà ăn thịt trâu, bò,… và phải ăn chay trong tháng Ramadan.
Vì vậy, văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi đây bị chi phối bởi tín ngưỡng, tôn giáo. Việc chế biến món ăn cũng theo các quy định của tôn giáo.
Món phở bò của người Chăm ăn kèm rau thơm, rắc thêm hạt tiêu
Chị Ro Fi Ah cho hay, để nấu phở bò ngon, chị sử dụng thịt bò cỏ. Loại bò này được chăn thả tự nhiên nên thịt săn chắc và có độ ngọt thơm.
“Người Chăm chỉ mua thịt bò do người Chăm mổ và bán. Thịt bò dễ bị bơm nước, làm giảm chất lượng thịt và khá hao (1kg thịt bò luộc lên chỉ còn khoảng 45%) nên mình thường mua bò cỏ ở quanh khu vực và tự làm”, chị nói.
Chị Ro Fi Ah mở quán phở Chăm được vài năm nay
Chủ quán 34 tuổi cũng tiết lộ, nước dùng phở được chị ninh từ một số loại xương như xương ống, xương giá (là phần xương có hình cánh quạt được lấy từ đùi trước của bò), xương sườn và xương bay.
“Để có được nồi nước dùng béo ngậy, ngọt thanh tự nhiên, mình thường ninh xương trong khoảng 15 tiếng, giúp xương tiết ra hết chất ngọt từ bên trong”, chị chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, để nước dùng thơm ngon hơn, chủ quán còn kết hợp sử dụng nhiều loại nguyên liệu, gia vị như hành tây, hành ta và tỏi nướng, gừng, riềng, rễ mùi (rễ của cây rau mùi), mía với thảo quả (đại hồi, tiểu hồi, quế, đinh hương) đem rang lửa nhỏ cho dậy mùi đặc trưng.
Nước dùng còn được nêm nếm thêm chút muối hạt, đường phèn với lượng phù hợp (tùy theo tỷ lệ của nước) để tăng độ đậm đà, phù hợp với khẩu vị của người Chăm.
Theo chị Ro Fi Ah, không chỉ nước dùng, việc chuẩn bị các nguyên liệu chế biến cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Nhưng tùy từng nơi và bí quyết của từng người, món phở Chăm có thể được biến tấu với nguồn nguyên liệu và công thức có chút khác biệt.
Với món phở bò, chị sử dụng phần thịt nạm, gầu, nạc vai, bắp và đùi trước. Tùy từng loại thịt bò mà thời gian luộc cũng khác nhau. Người nấu phải dựa vào kinh nghiệm, canh giờ sao cho chuẩn để vớt thịt ra.
Riêng thịt bò tái, chủ quán ưu tiên dùng thịt phi lê hoặc đùi sau để đảm bảo thịt mềm, thơm, dễ ăn.
Nguyên liệu ăn kèm món phở bò đa dạng từ thịt nạm, gầu,... cho đến bò viên, gân
“Đa phần, các món ăn của người Chăm ở An Giang nói chung và món phở bò nói riêng được sáng tạo dựa trên cơ sở phối hợp hài hòa những nguyên, vật liệu sẵn có tại địa phương như thịt bò, đường thốt nốt hoặc đường phèn và một số loại gia vị quen thuộc (hành, tiêu, tỏi, ớt, sả).
Cùng với đó là sự khéo léo của người phụ nữ Chăm để tạo ra những món ăn truyền thống độc đáo, không chỉ có hình thức bắt mắt mà hương vị cũng khó quên”, chị bày tỏ.
Anh Thái Lâm (ở Châu Đốc) từng ghé quán phở Chăm của chị Ro Fi Ah vài lần vì rất ấn tượng với hương vị món phở ở đây. Món anh thích nhất là phở bò đặc biệt, được phục vụ kèm một số loại thịt, giá 50.000 đồng/bát.
Anh nhận xét món phở của người Chăm có nét đặc trưng riêng với suất ăn khá lớn, nguyên liệu đầy đặn và nước dùng ngọt thanh, có mùi thơm từ đường phèn và các loại thảo mộc.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ món ăn dân dã của người miền Tây, ốc gác bếp dần trở thành đặc sản nức tiếng, được vận chuyển ra cả nước ngoài, giá 250.000 - 300.000 đồng/kg.