Lạ miệng "lẩu" bánh canh cá lóc
Khi nhắc đến bánh canh cá lóc, người ta nhớ ngay đến một món ngon của miền Trung hoặc miền Tây. Nhưng nếu có dịp đến mảnh đất đỏ miền Đông Bình Phước, bạn hãy thử ăn bánh canh cá lóc ở đây để cảm nhận sự giao thoa ẩm thực thú vị.
Các quán bánh canh cá lóc ở Bình Phước không đựng bánh canh trong tô mà bằng nồi đất, nấu trực tiếp trên bếp trước khi mang ra cho khách nên lên đến bàn rồi mà vẫn còn sôi sùng sục. Ăn kèm món này luôn là 1 rổ to tướng gồm rau đắng, rau cần nước và rau thơm (thường là kinh giới). Trong khi nồi bánh canh vẫn còn sôi, hãy nhanh tay nhúng rau đắng và cần nước vào như nhúng lẩu. Sau đó hãy cho kinh giới vào, vắt tí chanh, thêm chút nước mắm và vài lát ớt. Lúc này, nồi bánh canh đã hạ nhiệt nhưng cũng vừa đủ nóng để vừa thổi vừa ăn.
Cọng bánh canh ở đây làm bằng bột gạo, nước dùng hơi sánh; đi kèm chủ đạo là cá lóc phi lê, có quán còn cho thêm trứng cút, chả. Rau khi nhúng vào nồi bánh canh đang sôi sẽ xìu xuống rất nhanh nhưng vẫn còn độ tươi nhất định nên khi ăn cứ giòn tan trong miệng. Rau đắng sẽ không quá đắng, rau cần thì ngọt, cộng thêm mùi thơm của kinh giới làm món bánh canh vốn đơn điệu trong mắt nhiều người bỗng trở nên độc đáo, thú vị hơn.
Món bánh canh ăn nhúng rau như ăn lẩu ở Bình Phước
Ở Bình Phước, bánh canh cá lóc A Cay là thương hiệu phổ biến nhất, riêng ven Quốc lộ 13 đoạn từ thị xã Chơn Thành đến huyện biên giới Bù Đốp có thể đếm gần chục quán. Ban đầu cứ tưởng quán cùng chủ với nhiều chi nhánh nhưng hỏi ra mới biết mỗi quán 1 chủ nhưng học cùng thầy. Nghe nói quán bánh canh cá lóc A Cay gốc là ở TP Đồng Xoài, ai muốn theo nghề thì đến đây đóng tiền, theo học rồi về tự mở quán.
Một thương hiệu bánh canh cá lóc khác cũng khá nổi ở Bình Phước là quán 68, quán gốc ở thị xã Chơn Thành, cũng thường xuyên nhận người tới học nghề. Anh Hoàng Văn Hùng, chủ quán 68, cho biết bí quyết làm nên một nồi bánh canh cá lóc ngon nằm ở cách chế biến cá sao cho ngon, không tanh; còn nước dùng thì có công thức chung.
Nếu quan sát kỹ thì sẽ thấy bánh canh cá lóc Bình Phước là sự kết hợp hài hòa 3 miền. Trong đó, bánh canh, nước dùng, cách chế biến cá là kiểu miền Trung; rau đắng người miền Nam thích ăn trong khi kinh giới, cần nước là 2 loại rau mà người miền Bắc ưa dùng. Sự kết hợp tinh tế cùng cách phục vụ sôi tận bàn có khi sẽ khiến nhiều người ăn bánh canh cá lóc ở Bình Phước rồi sẽ chẳng muốn ăn ở nơi nào khác nữa.
Lẩu ếch ở các địa chỉ nổi tiếng ở dưới đây được các tín đồ ẩm thực sành ăn ở Hà Nội lựa chọn, nên đảm bảo ngon và rẻ cho các gia đình và giới trẻ tụ họp,...
Nguồn: [Link nguồn]