Lạ lẫm, khó quên với những món ngon ở Bình Dương
Đất Bình Dương có nhiều món ngon vô cùng lạ lẫm và độc đáo như gỏi ngó lục bình tôm thịt, cháo môn lươn, lẩu bò nhúng mắm ruốc, gà quay xôi phồng, bánh bèo bì…
Gỏi ngó lục bình trộn tôm thịt
Nếu thân cây lục bình phơi khô được dùng làm mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như thảm, giỏ, hoa khô…, thì ngó lục bình còn được dùng để chế biến thành các món ăn trong gia đình.
Theo người dân nơi đây, lục bình là loại rau sạch, thuộc nhóm thức ăn xanh chứa hầu hết các acid amin không thay thế, giàu vitamin, và các loại khoáng vi lượng khác. Cọng non lục bình có thể ăn sống chấm nước mắm kho, cá kho, nhúng lẩu; ngó lục bình có thể làm dưa chua, làm gỏi, xào thịt hoặc tép. Trong đó hấp dẫn nhất phải kể đến món gỏi ngó lục bình trộn tôm thịt.
Chế biến món này rất dễ dàng và nhanh gọn. Trước hết, dùng dao bén gọt bỏ vỏ ngoài ngó lục bình và dùng bàn bào, bào ngó lục bình thành từng miếng mỏng. Cho ngó lục bình đã bào ngâm vào nước có pha một ít phèn và nước cốt chanh khoảng 5 phút để ngó lục bình không sẫm màu và có độ giòn, vớt ra xả sạch, để ráo. Kế đến, tôm sú luộc chín lột vỏ, thịt ba rọi luộc chín xắt miếng mỏng, để sẵn mỗi thứ ra dĩa. Cuối cùng, cho các nguyên liệu đã sơ chế vào dĩa trộn đều cùng các gia vị như rau răm, chanh, đường, ớt, nước mắm. Nêm nếm lần cuối, và làm thêm một chén nước mắm chua ngọt là xong.
Cháo môn lươn
Cháo môn là món ăn bình dị, phổ biến ở vùng nông thôn nhưng nay trở thành món ăn lạ lẫm bởi nhiều lẽ: không nhiều người nấu ngon và không dễ tìm được món ăn bình dị này. Dù môn có ở nhiều nơi nhưng khi nhắc đến cháo môn, người ta lại nhắc đến vùng đất Thủ, xứ Bình Dương.
Cháo được nấu từ gạo rang hoặc gạo vo sạch. Củ môn được gọt sạch sẽ, cắt thành từng miếng nhỏ nấu chung với gạo cho mềm. Khi cháo nhừ, củ môn đã vừa chín, người nấu hạ nhỏ lửa nhưng vẫn giữ cho nồi cháo sôi trên bếp. Bẹ môn được lột vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn.
Khi nồi cháo đang sôi thì cho bẹ môn vào và giữ cho lửa đều đều, không tắt. Đến khi bẹ môn mềm nhũn ra là ăn được. Nếu chỉ nhúng bẹ môn vào cháo cho mềm thì không “khử” được ngứa của môn. Khi đó, bẹ môn chạm vào môi, ngứa không cách gì trị được. Nếu đã lỡ nuốt vào thì cuống họng ngứa mãi không thôi. Vì thế, khi nấu, người ta rất cẩn thận và quan sát suốt thời gian nấu đến khi chắc chắn cọng môn đã chín mềm.
Cháo môn được ăn chung với nhiều món kèm. Đơn giản nhất là ăn với thịt kho, cá kho như ăn cháo trắng, cháo đậu vậy. Cầu kỳ hơn thì nấu cháo môn với cá. Nhưng ngon nhất là nấu cháo môn với lươn.
Để lươn ngọt thì không nên mổ bụng khi làm thịt, giữ nguyên máu trong cơ thể lươn khi nấu. Lươn chín, thực khách chỉ cần lấy dao mổ bụng, lấy phần ruột bỏ và ăn thịt lưng. Cháo môn nấu với lươn là món ăn bổ dưỡng, tốt cho cơ thể người bệnh hoặc làm việc mệt mỏi, cần bồi bổ cho mau lại sức.
Lẩu bò nhúng mắm ruốc
Lẩu bò nhúng mắm ruốc là món ăn đặc trưng của Bình Dương. Món ăn này dành cho nhiều người muốn đổi khẩu vị với hương vị đậm đà của mắm ruốc và mùi thơm của sả, tóp mỡ. Chắc chắn trong thời tiết se lạnh mà cả nhà quây quần bên nhau thưởng thức món ăn này thì còn gì bằng. Điểm nhấn của món ăn này chính là mắm ruốc và nước lèo được nêm nếm cho vừa khẩu vị được ăn cùng với bún, rau, thịt bò, nước lèo chan vào.
Để làm nước dùng của món lẩu bò nhúng mắm ruốc bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu gồm: tóp mỡ, sả, ớt, bột ngọt, đường, mắm ruốc, thịt ba chỉ, hành tây. Đun nước xương cho sôi, cho khoảng 1 thìa canh mắm ruốc vào nồi nước xương cùng các gia vị như đường, bột ngọt. Ớt bột và sả băm cũng không thể thiếu vì vừa có thể khử được mùi tanh mà còn thơm nữa. Lưu ý là phải băm thật nhuyễn sả mới có được mùi thơm tuyệt đối từ cây này. Tiếp tục cho phần thịt ba rọi đã được luộc sơ và hành tây vào là xong. Còn phần tóp mỡ khi nào gần ăn thì hãy cho vào vì nếu cho vào sớm tóp mỡ dễ bị tan ra.
Hạt điều
Từ hạt điều người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, hấp dẫn, bổ dưỡng. Theo đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm. Rất tốt cho người suy nhược cơ thể, đau họng, ho do phong hàn. Hạt điều không chỉ là một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng mà còn đem lại giá trị kinh tế cao.
Bánh bèo bì
Cũng được làm từ bột gạo, nhưng lại kết hợp với bì, các loại rau... món bánh bèo nổi tiếng của người dân Bình Dương có nét riêng biệt so với bánh bèo chén tôm chấy xứ Huế, bánh bèo chén xứ Quảng hay những chiếc bánh bèo nhỏ bằng đầu ngón tay cái của người Khánh Hòa. Không giống bất kỳ loại bánh bèo nào kể trên, món ăn của người Bình Dương được kết hợp với nhiều nguyên liệu tạo nên nét đặc trưng riêng biệt mà những ai đã ăn một lần khó có thể quên được hương vị thơm ngon.
Bánh bèo ngon phụ thuộc bởi bì và nước mắm. Bì là hỗn hợp thịt heo và da heo ram xắt mỏng trộn thính và thêm gia vị cùng tỏi để tạo mùi vị và độ thơm. Thịt heo thì phải chọn loại đùi ngon bọc da, rang vàng ươm rồi hầm nước dừa cho ngấm vào thì mới ngon ngọt và mềm thịt.
Ăn kèm với bánh bèo của người Bình Dương là bì, nhân đậu xanh và các loại rau thái nhỏ. Khi thưởng thức món ăn này, người dân ở đây không chấm từng chiếc vào chén nước chấm mà phải chan ngập nước mắm lên đĩa bánh.
Gà quay xôi phồng
Ở Bình Dương, gà quay ăn kèm với xôi phồng. Xôi có nhiều loại: xôi đậu đen, đậu xanh, đậu phộng, xôi gấc, xôi cúc. Nguyên liệu chính để tạo xôi là gạo nếp và tuỳ loại xôi chỉ cần gạo nếp. Một đĩa xôi phồng tròn to chiên vàng đều đặn đặt bên cạnh một đĩa gà quay chín thơm, béo, ai trông thấy cũng muốn ăn.
Nguyên liệu làm xôi được tán nhuyễn chung với dầu ăn, thêm một chút đường và đặc biệt không có bột nổi. Tuỳ theo đĩa lớn, đĩa nhỏ, đầu bếp ngắt một miếng xôi này với lượng vừa đủ rồi bỏ vào chảo dầu sôi, nấu bằng lò khè, miếng xôi bỏ vào chảo dầu được đảo tròn đều và ép sát xuống đáy chảo bằng hai cây giá bếp. Khoảng 5 phút sau, miếng sôi bắt đầu phồng lên, lúc này hai tay đầu bếp phải thật khéo léo, nếu không phồng xôi sẽ bị méo, bể, hoặc xôi không ly tâm ra ngoài vỏ đều được, bị dồn cục giữa phồng xôi. Xôi chín vàng không đều hoặc bị cháy là không đạt chất lượng. Ai có dịp qua Bình Dương đều không bỏ qua món ăn đặc sản này.
Bò nướng ngói
Bò nướng ngói đặc biệt ở chỗ, thịt bò sau khi nướng giữ được mùi thơm, đồng thời có hương vị rất đặc biệt vì thịt bò chín được là nhờ sức nóng của miếng ngói đốt trên bếp. Bò nướng ngói là món ăn bổ, chứa nhiều chất sắt tốt cho sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ, bà bầu.
Ăn bò nướng ngói không thể thiếu bánh tráng và rau thơm để cuốn. Rau thơm có thể dùng là tía tô, chuối chát thái lát, ngải cứu, khế chua, dưa leo… Đặt rau thơm lên bánh tráng, gắp miếng thịt bò vào giữa và cuộn lại rồi chấm mắm nêm. Bò nướng ngói có đầy đủ hương vị: vị ngọt của thịt bò, vị chát của chuối, vị tê tê, hăng hăng của ngải cứu, tía tô, vị chua của khế… cùng với mùi thơm hấp dẫn của mắm nêm.
Bún tôm Châu Trúc
Làng Châu Trúc thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Dương vốn nổi tiếng gần xa với món bún tôm. Bún được chế biến từ bột gạo, phối hợp với tôm đất đánh bắt từ sông hồ nhưng lại làm nên món ăn có hương vị đậm đà khó quên, nhất là với những người lần đầu thưởng thức.
Nét đặc trưng nhất của món bún tôm là ở cách thức làm bún. Bún không phải loại bún làm sẵn bán ở chợ, hay bún được mua ở các lò làm bún nổi tiếng. Người bán bún tôm làm bún ngay tại chỗ, tức là khi có khách vào chủ quán mới bắt đầu ép bột gạo đã làm sẵn và hấp trong nồi nước sôi. Do vậy, sợi bún ở đây trông nhỏ, mềm và trong vắt. Mặt khác, tôm dùng làm bún tôm là những con tươi, còn sống được bắt từ ao, đầm. Con tôm ở đây trông bụ bẫm và thịt săn, rất ngọt.
Thông thường bún tôm được ăn kèm với bánh đa nướng. Nhiều người mới ăn lần đầu chưa thấy ngon và thích. Tuy nhiên, ăn nhiều lần thì nghiền lúc nào không hay. Nghiền vì vị ngọt của nước dùng, của mùi hành thơm ngát và nghiền luôn cái giá rất bình dân.
Nem Lái Thiêu
Về với Lái Thiêu (thị xã Thuận An) để được thưởng thức món nem là món ăn đặc sản lâu đời, một thương hiệu không thể không nhắc đến trong làng ẩm thực của Thủ Dầu Một trước đây và của Bình Dương hôm nay.
Nem Lái Thiêu được làm theo lối thủ công truyền thống từ chọn thịt nạc đùi tươi ngon, lược bỏ hết gân mỡ, xắt lát to, lau khô rồi cho vào cối quết nhuyễn, ướp muối rang, đường, bột ngọt, gia vị thích hợp. Phần da heo luộc vừa chín, để ráo, xắt thành sợi nhuyễn. Mỡ gáy luộc chín, để ráo xắt thành sợi nhỏ ướp đường để mỡ được trong. Phi tỏi với mỡ cho vàng, vớt bỏ xác tỏi, lấy mỡ nước để nguội. Thịt nhuyễn, da heo, mỡ xắt sợi, mỡ nước cho vào thau trộn thật đều.
Lá vông, lá chuối lau sạch để gói ruột và vỏ nem. Nắn thịt nhuyễn thành miếng nem hình khối vuông, cho thêm vào một hạt tiêu, một lát tỏi, ớt rồi gói ruột nem bằng lá vông để hút nước và dễ lên men thơm. Vỏ bên ngoài gói bằng lá chuối hột cột hình chữ thập bằng dây lạt kết 10 chiếc thành xâu nem sau ba ngày là nem có thể dùng được.
Gỏi măng cụt
Măng cụt Lái Thiêu là trái cây đặc sản ở đất Bình Dương nổi tiếng bởi vị thơm ngọt. Người dân nơi đây thường dùng loại hoa quả này làm món gỏi độc đáo để đãi khách.
Khác với các loại gỏi thông thường, gỏi măng cụt có vị riêng và cách chế biến cũng riêng. Người ta sẽ lựa những trái măng cụt vỏ còn xanh nhưng ruột bên trong vừa chín để món ăn giữ được độ giòn, độ ngọt và có vị chua vừa phải.
Nước trộn gỏi là yếu tố quan trọng để làm nên vị đậm đà của món ăn, được chế biến từ nước quất, muối, và chút hạt nêm, tỏi, ớt. Thịt ba chỉ được luộc chín rồi thái thành sợi nhỏ. Tôm sú cũng được luộc rồi bóc vỏ, bỏ đường chỉ ở dọc lưng.
Tất cả những nguyên liệu này cho vào trộn đều cùng với nước bóp gỏi cho thấm gia vị, thêm chút rau răm và lạc rang giã nhỏ cho dậy vị.
Hoa quả Lái Thiêu
Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa trái cây chín rộ, du khách đi chơi vườn Lái Thiêu sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trải dài tít tắp và được thưởng thức các loại trái cây ngon như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, vú sữa, bòn bon…Trong đó, măng cụt được coi là trái cây “vua” của miệt vườn Thuận An. Trái cây Lái Thiêu ngoài ăn tươi thì người dân Bình Dương còn sáng tạo chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như: gỏi tôm/gà măng cụt, sinh tố măng cụt, kem măng cụt, gà nướng sầu riêng…