Lá đắng, đắng mà ngọt!

Ai đã từng ăn canh lá đắng sẽ rất ấn tượng với vị đắng đậm đà, sau đó là vị ngọt thanh. Lá đắng không phải là món ăn thường xuyên với người thành thị nhưng lại là thực phẩm không thể thiếu với những người vốn đã quen núi, quen rừng.

Không ít người thường nhầm cây lá đắng là cây rau đắng. Cùng loại cây có vị đắng nhưng cây rau đắng phổ biến ở vùng đồng bằng còn cây lá đắng là một loại rau ăn của người vùng cao. Rau đắng đã được coi là “đắng lắm” nhưng nếu cùng thưởng thức với lá đắng ắt hẳn sẽ có nhận xét “Sao có loại rau gì mà đắng quá vậy!”. Lá đắng là như vậy, nhưng đắng mà ngọt, ai ăn quen sẽ thấy cơ thể như giải nhiệt khi ăn món rau này thường xuyên. Lá đắng bóng, có hình riềm lưỡi cưa, mọc hoang trong núi, hiện được trồng cả trong vườn nhà, có thể dùng lá khi còn tươi hoặc phơi khô để dùng dần. Đây là loại thực phẩm ưa thích của người dân vùng sơn cước.

Lá đắng như chính tên gọi, có vị đắng đặc trưng nên có nơi còn gọi là lá mật vịt. Cây đắng vốn là một loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng. Khi trở thành một thứ rau ngon, người dân một số địa phương vùng núi, vùng bán sơn địa đã đưa về trồng trên nương rẫy hay ở vườn nhà. Cây lá đắng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa và giữa được gốc qua các mùa đông rét, xuân sang cây lá phát triển nhanh và gân như cho lá xanh tốt quanh năm. Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, những lá mỏng, non có răng cưa sẽ đem lại vị đắng đậm hơn là những lá già đã có màu thẫm lục, chính vì vậy mà người mới ăn lần đầu nên nếm thử vị đắng của lá già.

Người Tày vùng Na Hang, Tuyên Quang nấu thứ lá đắng này với rượu trắng, dùng như món khai vị rất tốt, giải rượu. Người Thanh Hóa nấu cùng mẻ, sả, nghệ và mắm tôm. Có thể nấu lá đắng với thịt lợn băm nhỏ, nấu canh với tiết lợn. Lá đắng tươi, khô đều dùng nấu như mọi thứ canh rau khác.

Một điều đặc biệt là lá đắng không chỉ ăn tươi, mà còn có thể đem phơi khô, bảo quản cho khỏi mốc, ẩm để đến lúc nào cần dùng thì đem rửa sạch rồi nấu như mọi thứ canh rau khác. Đó không chỉ là thứ rau dùng chế biến món ăn lạ miệng, mà còn được xem như một loại thảo dược có tác dụng chưa bệnh đường ruột, chống đầy hơi, tiêu mỡ và giải rượu.

Canh lá đắng

Nguyên liệu

Lá đắng: 100g
Thịt nạc: 100g
Sườn ống: 100g
1 thìa cà phê hạt nêm, ½ thìa cà phê bột ngọt, ½ thìa cà phê bột ớt băm nhuyễn, ½ thìa cà phê tiêu, ½ thìa súp mắm tôm, 1 thìa cà phê mẻ, 1 thìa súp dầu ăn

Lá đắng, đắng mà ngọt! - 1

Cách làm

- Lá đắng rửa sạch, xắt nhỏ. Ướp thịt với hạt nêm, bột ngọt, tiêu, mẻ, mắm tôm, ớt khoảng 15 phút

- Sườn ống rửa sạch, cho vào nồi ninh nhừ, hớt bọt thường xuyên cho nước trong

- Phi hành thơm, cho hỗn hợp thịt đã ướp vào đảo đều nhanh tay, khi thịt hơi săn lại thì đổ nước ninh sườn vào nấu sôi

- Cho lá đắng vào nồi sườn, chờ sôi lại khoảng 3 phút là được.

Súp cua lá đắng

Nguyên liệu

Thịt cua: 100g
Xương gà: 1kg
100g lá đắng, 50g bột năng, 1 quả trứng gà đánh tan, ½ thìa cà phê muối, ¼ thìa cà phê đường, ¼ thìa cà phê tiêu, 1 đoạn boa-rô

Lá đắng, đắng mà ngọt! - 2


Cách làm


- Xương gà rửa sạch, trụng qua nước sôi, xả lại nước lạnh thật kỹ. Nấu khoảng 3 lít nước sôi, thả xương gà vào ninh, cho 1 đoạn boa-rô vào nấu chung. Nấu nhỏ lửa đến khi còn khoảng 1,5 lít nước là được. Vớt bỏ xương gà, lược lại nước cho trong.

- Bột năng hòa tan. Lá đắng cắt sợi mỏng, trụng qua nước sôi

- Nấu sôi nước dùng gà, giảm nhỏ lửa, cho bột năng vào khuấy từ từ cho đến khi nước hơi sánh. Cho trứng vào khuấy nhanh tay để tạo sợi. Cho thịt cua và lá đắng vào, nêm đường, muối vừa ăn, tắt bếp, rắc tiêu lên.

Chè lá đắng

Nguyên liệu

Lá đắng tươi: 100g
Gừng: 1 lát
200ml nước lọc

Lá đắng, đắng mà ngọt! - 3

Cách làm

- Lá đắng nhặt bỏ những là bị vàng, sâu rầy, lá già hoặc quá non vì nếu lá quá già sẽ làm nước bầm đen, không thơm còn lá quá non làm nước nhạt và không đượm

- Rửa sạch lá đắng, không nên vò nát cũng như để nguyên lá mà vò nhẹ cho lá hơi nát là được

- Đun sôi nước sau đó cho lá đắng vào, nhấn cho ngập mặt nước rồi tiếp tục đun sôi. Khi nước lá đắng đã sôi, lấy gáo nhấn lá chìm xuống, sau đó đổ thêm chút nước lã vào rồi hạ lửa

- Khi nước sánh vàng, cho thêm lát gừng tươi vào, tắt bếp

- Cho nước ra ly, thức uống này có tác dụng thanh nhiệt, rất thích hợp cho những ngày hè nắng nóng.

Lá đắng là tên gọi đúng vị của nó, mọc từ thân ra, có hình dạng giống như lá sắn mì. Từ cuống chính tỏa thành chín cuống phụ, mỗi cuống phụ môt lá, thân lá dài từ 5,6 đến 20 cm, rộng độ 4-5cm, chỗ gần cuống tròn hơn, thân lá nhọn, hai mặt đều màu xanh đậm.

Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn lá đắng khi ngắt trực tiếp từ cây xuống như người lớn vì vị đắng có thể dẫn tới bị ói, nôn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Mận ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN