Hương vị bánh mì ba miền Bắc – Trung – Nam có gì đặc biệt khác nhau qua review của 1 blogger ẩm thực nước ngoài
Mới đây, hành trình đi dọc Việt Nam khám phá ẩm thực khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam của nữ blogger người Anh đã thu hút nhiều chú ý của cộng đồng mê ẩm thực. Trong những món ăn thưởng thức, nữ blogger bày tỏ sự yêu thích đặc biệt với chiếc bánh mì.
Rose – nữ blogger người Anh đã có những cảm nhận đặc biệt về hương vị bánh mì khắp cả 3 miền. Suốt hành trình đi dọc Việt Nam gần 3 tháng, với mỗi miền, bánh mì đều mang những nét riêng khó cưỡng.
Khám phá hương vị bánh mì Việt khắp 3 miền
Bánh mì phố cổ Hà Nội như "viên ngọc ẩn"
Bắt đầu hành trình đi tìm hương vị bánh mì, Rose đã tìm đến bánh mì phố cổ Hà Nội. Khi đến đây, nữ blogger thật sự choáng ngợp vì có quá nhiều quầy hàng bánh mì thơm ngon, hấp dẫn với đủ loại bánh mì: bánh mì thường, bánh mì tam giác,…Rose đã ghé một tiệm bánh mì nổi tiếng nhất, theo cảm nhận của cô bánh mì khá nhỏ nhưng phần pate rất mềm dậy mùi nhờ hương vị của rau mùi thơm.
Bánh mì Hà Nội khá lớn, vỏ giòn, phần ruột rỗng và pate dày
Hương vị bánh mì thơm ngon là một chuyện, nhưng điều khiến cô thích thú nhất khi thưởng thức bánh mì Hà Nội là không gian xung quanh mang đậm phong vị miền Bắc, những nét cổ kính, ấm trà nhẹ, gió heo may và khung cảnh cố kính ở phố cổ khiến nữ du khách này rất yêu mến. Theo cô, những cửa hàng bánh mì truyền thống như "viên ngọc ẩn" giữa lòng thủ đô, nơi mọi người có thể tìm về thưởng thức hương vị truyền thống đặc trưng nhất.
Bánh mì nhiều nhân hấp dẫn
Nhiều khách du lịch đến Hà Nội thưởng thức bánh mì cũng có những cảm nhận riêng. Theo đó, bánh mì Hà Nội tương đối khác so với bánh mì miền Trung và Nam. Nếu gọi một phần bánh mì pate, phần pate sẽ được thêm vào bánh khá nhiều và dày. Với những người thích hương vị pate thì đây thật sự là điều hấp dẫn nhưng với những người có khẩu vị phổ biến, pate quá nhiều cũng làm bánh mì khá béo.
Thưởng thức bánh mì và trà đá là nét đặc trưng ở Hà Nội
Ngoài ra, bánh mì miền Bắc thường lớn, phần ruột rỗng hơn và chuộng tương ớt thay vì các phần nước sốt. Đa phần đều chung ý kiến bánh mì miền Bắc thường khô hơn hai miền còn lại.
Chị Hồng Trang (khách du lịch, Bình Định) cho biết: "Bánh mì ở đây thường khô hơn, có phần dưa góp, pate khá dày, thịt giò khá thơm ngon. Bên trong bánh mì thường thêm tương ớt và sốt mayone béo ngậy tạo nên hương vị khá lạ. Nên ăn bánh mì thưởng thức cùng ly trà đá bên vỉa hè để cảm nhận rõ hơn hương vị phố cổ".
Bánh mì miền Trung – hương vị vươn tầm thế giới
Rose tiếp tục hành trình tìm kiếm hương vị bánh mì ngon nhất Việt Nam. Điểm nhấn hương vị của cô dừng lại ở Hội An – nơi có hàng "Bánh mì Phượng" nổi tiếng thế giới. Cô gọi một phần bánh mì với nhân gồm thịt, pate, rau rưới chút nước sốt. Số lượng của mọi thứ chỉ ở mức vừa phải, nhưng "lộn xộn một cách ngon lành". Đến bánh mì Phượng, Rose khuyên mọi người nên thử bánh mì thịt heo nướng để cảm nhận rõ nhất vị bánh mì. Theo cô, miền Trung cũng là nơi có hương vị bánh mì ngon nhất mà cô được trải nghiệm.
Đặc biệt, bánh mì miền Trung đều có chan thêm những loại nước sốt rất đậm đà và tăng thêm nhiều hương vị thơm ngon của bánh mì. Nước sốt có thể là phần nước mè đen, nước kho thịt thẫm vị, sốt ớt cay,…tất cả được kết hợp lại tạo nên một hương vị khó cưỡng. Không chỉ ở Hội An, bánh mì Huế hay Đà Nẵng cũng đều có cách thêm phần nhân thập cẩm gồm: sốt pate, thịt, chả, rau mùi, dưa góp, sốt ớt cay, nước sốt,…đầy đủ. Bánh mì ở đây mềm hơn, kích thước bánh nhỏ hơn so với bánh mì miền Bắc nhưng khá đặc ruột.
Đặc biệt, bánh mì miền Trung còn là nơi mà nhiều khách du lịch đặc biệt yêu thích đến thưởng thức. Cửa hàng bánh mì Phượng còn là nơi được đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain đặc biệt yêu thích. Đây cũng là thương hiệu bánh mì mở rộng đến xứ kim chi và được nhiều bạn trẻ Hàn Quốc cực yêu thích.
Bánh mì miền Trung khá nhỏ, đặc ruột và đặc biệt thơm ngon nhờ phần nước sốt
Bánh mì Sài Gòn – hương vị dân dã, gần gũi
Với những người dân sinh sống tại TP.HCM, chiếc bánh mì không chỉ mang nét văn hoá ẩm thực mà còn chứa đựng nhiều giá trị tình người. Chiếc bánh mì trao tay qua những đợt xã hội giãn cách, chiếc bánh mì gửi những mảnh đời vô gia cư mỗi đêm muộn Sài Gòn, chiếc bánh mì không đồng hành cùng người lao động vất vả hàng ngày,… Bánh mì Sài Gòn nhìn chung có hương vị tương đồng hơn với bánh mì miền Trung, điểm nhấn nhờ phần nước sốt. Các phần nhân bánh mì cũng gồm thịt, giò, chả, ruốc bông,…Đặc biệt, bánh mì ở đây có phần nước sốt hành lá và phần rau hành lá khá dậy mùi.
Bánh mì Sài Gòn mang nhiều giá trị tình nghĩa
Bánh mì Sài Gòn rất gần gũi, ngay cả những hàng bánh mì vỉa hè cũng rất đầy đủ phần nhân thịt, chả, rau thơm chỉ với mức giá 10.000 đồng.
Còn với Rose, cô đã ghé thăm tại một hàng bánh mì nổi tiếng nhất ở đây là bánh mì Huỳnh Hoa để thưởng thức và cảm nhận. Bánh mì ở đây rất nhiều nhân, dù đã cố gắng để thưởng thức nhưng cô vẫn không thể ăn hết chiếc bánh mì. Dù vậy, hương vị bánh cũng rất đậm đà và thơm ngon.
Những tủ bánh mì từ thiện dễ bắt gặp ở đường phố Sài Gòn
Bánh mì đã trở thành một phần văn hoá không thể thiếu trong ẩm thực Việt Nam. Bánh mì cũng là nét tinh hoa ghi danh tên Việt Nam lên bản đồ ẩm thực thế giới, món ăn đáng tự hào của người Việt mà bất cứ du khách nào cũng nên thưởng thức.
Nguồn: [Link nguồn]
Làm pizza từ những nguyên liệu đơn giản có sẵn mà không cần lò nướng.