Cơm cữ khó ăn và nghèo nàn, học ngay thực đơn mẹ đảm Việt nấu cơm cữ thay đổi món đa dạng hàng ngày
Chị Nhiêu Trang hiện đang sống tại Sapporo - Hokkaido Nhật Bản gợi ý cho chị em những bữa cơm cữ đơn giản nhưng đa dạng món, mang lại nhiều dinh dưỡng cho chị em phụ nữ sau sinh.
Tự chuẩn bị cơm cữ sau sinh
Phụ nữ sau khi trải qua quá trình sinh đẻ thường khó có thể chuẩn bị những bữa cơm hàng ngày. Mới đây, chị Nhiêu Trang (hiện đang sinh sống tại Sapporo – Hokkaido, Nhật Bản) đã gợi ý cho chị em những bữa cơm cữ đơn giản với đa dạng món để nấu ăn sau sinh.
Bữa cơm cữ ngày đầu sau khi xuất viện về nhà của chị Trang gồm có: chả lụa, giò xào nhà làm sẵn lúc trước khi sinh rồi cấp đông, khi ăn chỉ cần rã đông tự nhiên trên tủ mát.
Chị Trang chia sẻ, do đã có kinh nghiệm qua lần sinh em bé đầu tiên nên lần thứ hai, chị đã có thể tự chuẩn bị cơm cữ hàng ngày. Một phần cũng vì điều kiện sinh sống xa nhà, gia đình chị không thể bên cạnh chuẩn bị, chăm sóc gần gũi thời điểm sau sinh nên hầu như các bữa cơm đều do chị và chồng cùng nhau chuẩn bị hàng ngày.
Cá basa kho tiêu. Cá ướp gia vị sẵn hết rồi hút chân không, khi ăn chỉ cần mang đi hấp, rau muống luộc và đậu bắp, canh nước rau luộc với cà dầm, sữa matcha
Chị Trang chia sẻ: "Do sống xa gia đình, vì nhiều lý do, sức khoẻ của mẹ mình cũng không thể sang hỗ trợ giúp nên chỉ có hai vợ chồng xoay sở với nhau. Một phần cũng đã có kinh nghiệm cơm cữ tập 1 rồi nên lần này mình thấy cũng thoải mái và mọi việc vào quy củ hơn là lần đầu tiên do đã chuẩn bị sẵn tất cả, mặc dù lần đầu có mẹ ngoại sang giúp đỡ và chăm đến tận 6 tháng".
Cơm sườn nướng sả, dưa leo và cà chua tự nhà trồng, canh rau củ.
Nhờ kinh nghiệm từng trải, trước khi trải qua lần sinh này, chị đã dọn dẹp và sắp xếp những vật dụng hàng ngày, bếp núc cẩn thận và quy củ để có thể tiện dụng khi nấu cơm cữ sau sinh. Vì vậy, quá trình tự nấu những bữa cơm cữ với chị cũng không quá nhiều khó khăn.
Mì ý và thịt chiên, salat bắp cải, sữa bắp
"Ttrước khi sinh đã lên sẵn thực đơn các món cơ bản muốn ăn nên đã có khâu sơ chế, đến lúc ăn thì nấu lên thôi nên việc bếp núc khá đơn giản và không mất nhiều thời gian", chị Trang chia sẻ.
Về phần nguyên liệu nấu, thời điểm chị nghỉ làm để chuẩn bị cho việc sinh em bé, chị cũng tranh thủ thời gian để mua các nguyên liệu cần thiết và chia khẩu phần, sơ chế, tẩm ướp gia vị theo từng món sau đó hút chân không, ghi rõ bên ngoài túi là dùng cho món gì món gì …. Khi cần nấu cơm cữ chỉ cần mang những túi nguyên liệu đã chuẩn bị sẵn ra để rã đông và nấu, việc này giúp chị tiết kiệm khá nhiều thời gian trong việc chuẩn bị nấu nướng.
Thịt kho riềng, chân giò hầm giấm đen, rau muống luộc, rau nhà trồng, tráng miệng hồng xiêm
Bữa sáng với nui nấu rau củ, bữa mè đen, thạch vitamin dưỡng sức
Thịt bò steak và trứng ốp la, canh rong biển nấu trứng, chả chiên, tráng miệng kiwi
Quan niệm kiêng cữ sau sinh
Ở Việt Nam, theo quan niệm xưa, người phụ nữ sau khi trải qua sinh nở, cơ thể còn yếu ớt và một số vùng cơ thể bị tổn thương, vì vậy cần kiêng dè nhiều loại thức ăn cho đến khi cơ thể phục hồi trở lại. Tuy nhiên, với điều kiện của gia đình chị Nhiêu Trang hiện tại ở Nhật Bản nên hầu như sau khi sinh, phụ nữ không cần kiêng dè món ăn nào. Miễn làm sao bữa cơm cữ được ăn uống thoải mái, đầy đủ chất và chỉ cần mẹ khoẻ nhanh, lấy lại sức và có sữa cho con bú.
"Bên Nhật không có quan niệm kiêng cữ trong món ăn như Việt Nam nên cứ ăn uống những thứ tốt cho cơ thể mình và có sữa cho em bé. Từ lúc còn nằm trong viện sau sinh, chuyên gia dinh dưỡng của bệnh viện đã kê thực đơn trong đó có các món cá rán, cá kho theo kiểu Nhật, hải sản… kể cả có nơi cho ăn sashimi hoặc sushi", chị Nhiêu Trang nói về khác biệt trong quan điểm phụ nữ sau sinh có nên ăn cá ở Việt Nam và Nhật Bản.
Tôm ram thịt, cá kho tiêu, canh rau đay nấu thịt bằm, dưa hấu
Ngoài những quan niệm kiêng các món trong cơm cữ, chị Nhiêu Trang cũng chia sẻ cách người Nhật bổ sung thực phẩm vào cơm cữ cho mẹ để nhanh lấy lại sữa cho con bú.
"Món ăn lợi sữa thì theo người Nhật là các loại đồ nếp như xôi đậu đỏ,… Có một sự khác biệt là các món chân giò như ở Việt Nam không hề có trong thực đơn và cũng chỉ mấy năm trở lại đây người Nhật mới phổ biến món chân giò. Từ xưa nay gần như những người mẹ Nhật Bản không ăn món chân giò trong cơm cữ mà chỉ một số nhà ở Okinawa, Nhật Bản thì mới biết đến món ăn này", chị Trang cho hay.
Thịt luộc, chả cá chiên, canh cua rau đay, cải xào, sữa hạt sen
Bên cạnh đó, để thay đổi khẩu vị và bổ sung dưỡng chất, ngoài những bữa cơm cữ, chị Trang còn chuẩn bị các loại uống sữa hạt tự nấu và thực phẩm chức năng cung cấp vitamin tăng cường thể trạng sức khỏe.
Nhìn thực đơn từ món chính đến món tráng miệng đều ngon, đảm bảo dinh dưỡng, các mẹ bỉm sữa ai nấy đều xuýt xoa “ghen tị” với bà mẹ sau sinh đến từ Hà Nội.
Nguồn: [Link nguồn]