Gợi ý mâm cúng và văn khấn ông Công ông Táo 2025
Lễ cúng ông Công, ông Táo không chỉ thể hiện tín ngưỡng văn hóa dân gian mà còn là dịp để gắn kết tình cảm gia đình và hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới.
Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển, vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình đều làm lễ cúng ông Công ông Táo và khấn vái ông Táo trình báo những điều tốt đẹp cho Ngọc Hoàng.
Táo quân có nguồn gốc từ Trung Quốc, ban đầu bao gồm ba vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, và Thổ Kỳ. Khi du nhập vào Việt Nam, sự tích này đã được Việt hóa thành huyền tích "hai ông, một bà," gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, và vị thần Bếp, thường được gọi chung là ông Công, ông Táo.
(Ảnh minh họa).
Trong mỗi gia đình có hệ thống thần linh riêng, gồm Thần Tài, Thổ Công, và Táo quân. Trong đó, Thổ Công cai quản đất đai, còn Táo quân phụ trách việc bếp núc. Quan niệm dân gian tin rằng ông Công, ông Táo không chỉ trông coi, bảo vệ gia đình khỏi các thế lực xấu mà còn gìn giữ bình yên cho tổ ấm.
Hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch), ông Công, ông Táo lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng về mọi việc xảy ra trong gia đình trong năm qua. Sau khi nhận chỉ thị của Thiên đình, các vị thần sẽ trở về gia đình vào ngày cuối cùng của năm cũ để tiếp tục cai quản.
Do đó, ngày 23 tháng Chạp trở thành dịp quan trọng để mỗi gia đình chuẩn bị mâm lễ tiễn Táo quân về trời. Đây cũng là cơ hội để cầu mong sự ấm no, bình an, và hạnh phúc cho năm mới.
Chuẩn bị mâm cỗ và lễ vật
Phong tục cúng ông Công, ông Táo khác nhau tùy theo vùng miền nhưng thường bao gồm những lễ vật cơ bản sau:
- Lá sớ ghi tên tuổi các thành viên trong gia đình.
- 3 bộ mũ áo, hia hài của Táo quân (2 mũ Táo ông và 1 mũ Táo bà).
- Hương (nhang), đèn nến.
- Tiền vàng mã.
- Lọ hoa tươi, đĩa trái cây.
- Cau trầu, trà, rượu.
- Mâm cơm cúng.
Mâm cỗ cúng có thể là mặn, chay, hoặc ngọt, tùy theo phong tục từng địa phương và điều kiện gia đình. Thông thường, mâm cỗ mặn gồm:
- Gạo, muối.
- 3 chén rượu.
- Gà luộc (để nguyên con hoặc chặt sẵn).
- Canh mọc hoặc canh măng.
- Xào thập cẩm, giò lụa, xôi gấc hoặc bánh chưng.
Ngoài ra, cá chép là lễ vật không thể thiếu trong tục cúng Táo quân, đặc biệt ở miền Bắc. Theo quan niệm, cá chép là phương tiện đưa Táo quân về trời. Cá chép sống thường được đặt trong chậu nước bên cạnh mâm lễ cúng, sau đó được phóng sinh ở ao, hồ, hoặc sông, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Lễ cúng ông Công, ông Táo không chỉ thể hiện tín ngưỡng văn hóa dân gian mà còn là dịp để gắn kết tình cảm gia đình và hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới.
Bài khấn ông Công ông Táo cổ truyền Việt Nam
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại: …………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạn tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Nam mô a di đà Phật!
Theo Chuyên gia phong thủy – Master Phùng Phương lưu ý, các gia chủ không nên xin tài lộc khi cúng Táo Quân. Vì sao lại thế?
Nguồn: [Link nguồn]
-18/01/2025 23:54 PM (GMT+7)