Gỏi khô cá lóc trộn đọt sầu đâu
Đọt/bông sầu đâu vị đắng, do đó nếu chưa quen dùng sẽ cảm thấy rất khó nuốt, nhưng khi đã ăn được thì không thể không ghiền vì cái hậu ngọt đến khó tả của nó.
Sầu đâu là loại cây thân gỗ, cao 5 đến 7 mét. Cá biệt vài nơi ở Phú Tân có những “lão sầu đâu” cao hàng chục mét, tán lá xum xuê. Sầu đâu, khi thu hoạch đọt người ta bẻ nguyên nhánh, như vậy thân cây mới nhanh đâm tược non.
Muốn bớt đắng, chỉ cần nhúng sơ qua trong nước sôi. Tuy nhiên, những người sành ăn không ai chịu làm như thế, bởi đối với họ, sầu đâu mà không đắng thì không ngon (cũng như ăn ớt phải cay xé lưỡi vậy). Dường như sầu đâu chỉ dùng để trộn gỏi khô cá lóc hoặc khô cá sặc rằn là ngon nhất, và tất nhiên cũng là món đưa cay rất hấp dẫn. Rượu hay bia đều ghịch!
Khô cá lóc đồng
- Thành phần nguyên liệu (nhiều hay ít tùy số người dùng):
+ Khô cá lóc (nếu được loại cá lóc đồng càng ngon).
+ Đọt/ lá non cây sầu đâu (bông sầu đâu càng tuyệt).
+ Thịt ba rọi
+ Nước me chua
+ Nước mắm me
Đọt sầu đâu
- Cách chế biến:
+ Nướng khô trên bếp lửa than, đập sơ cho miếng khô vừa tơi, mềm; xé nhỏ vừa miếng ăn.
+ Đọt/ bông/ lá non sầu đâu lặt bỏ cọng. Nếu muốn bớt đắng thì nhúng sơ vào nước cơm sôi, hoặc nước sôi.
+ Thịt ba rọi luộc chín, xắt mỏng.
+ Tất cả trộn lại, chế vào một ít nước me chua (me muối ngâm trong nước sôi, lấy nước), lại trộn đều.
+ Nêm nếm. Ăn, chấm nước mắm me, giằm ớt cho cay.
Gỏi khô trộn lá sầu đâu và nước mắm me
Nguyên phụ liệu đều có bán thường xuyên ở các chợ. Tuy nhiên chất lượng nhất là tại các chợ lớn, nhỏ thuộc huyện Phú Tân. Hầu như bất cứ quán ăn nào trong huyện Phú Tân đều có sẵn.