Giò thủ là món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết nhưng chú ý đừng mắc sai lầm này khi chế biến và bảo quản

Khi chế biến giò thủ, cần chọn thịt tươi ngon, loại bỏ các u, cục hạch trên thịt để tránh ăn phải mầm bệnh gây hại cho sức khỏe.

Trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài bánh chưng, thịt gà, canh măng, giò lụa hay thịt đông thì giò thủ (giò xào) cũng là món ăn thường được người dân ưa chuộng và rất thích hợp với thời tiết mùa đông lạnh của miền Bắc.

Giò thủ đúng với tên gọi, được làm chủ yếu từ các bộ phận trên thủ của con lợn như tai, mũi, má lợn hoặc có thể thêm lưỡi hay thịt chân giò. Ngoài những nguyên liệu chính trên, để làm nên món giò thủ ngon cũng không thể thiếu được mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu…

Dưới góc độ dinh dưỡng, các chuyên gia cho rằng, giò thủ do được làm chủ yếu từ phần thịt có nhiều mỡ như mũi, má, cổ lợn nên hàm lượng chất béo cao. Theo đó, dù là món ăn ngon nhưng nếu ăn nhiều sẽ gây ra dư thừa năng lượng, dễ gây tăng cân trong dịp Tết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính vì hàm lượng chất béo cao nên những người đang bị tăng cân, béo phì, người máu nhiễm mỡ nên hạn chế ăn món ăn này hoặc chỉ nên ăn ít, ăn thưởng thức 1-2 miếng mỗi bữa chứ không nên ăn no.

Về khía cạnh an toàn khi ăn giò thủ, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), vấn đề cần lưu ý khi chế biến giò thủ là khi sơ chế thịt vì giò thủ làm từ phần thịt ở phần cổ, phần đầu nên sẽ có nhiều các u cục hay còn gọi là hạch. Do vậy, các gia đình khi làm cần phải thật cẩn thận, tỉ mỉ loại bỏ các khối u, lông để chất lượng món ăn đảm bảo nhất.

Vị chuyên gia này giải thích, các u cục ở phần cổ, đầu lợn thực tế là hạch bạch huyết của lợn, màu trắng xám hoặc vàng nhạt. Các hạch này đều chứa mầm bệnh như vi khuẩn và virus, vừa có mùi hôi khó chịu lại còn có thể trực tiếp truyền bệnh vào cơ thể, rất khó tiêu diệt dù được nấu ở nhiệt độ cao. Do đó, dù chế biến dưới hình thức nào, làm món ăn gì cũng cần loại bỏ kỹ lưỡng những khối u cục này.

Cùng với đó, khi làm giò thủ nếu cho thêm các nguyên liệu như mộc nhĩ, nấm hương cần phải sơ chế và chế biến kỹ. Nếu đã có dấu hiệu bị hỏng, cần vứt đi, không nên dùng mà làm ảnh hưởng để chất lượng giò.

Bảo quản giò thủ như thế nào để đảm bảo an toàn?

Theo các chuyên gia, giò thủ rất dễ làm, các gia đình nên tự làm để kiểm soát được nguồn gốc. Khi làm món ăn này cần lựa chọn loại thịt còn tươi ngon, như vậy mới cho giá trị dinh dưỡng cao, chất lượng giò mới đảm bảo.

Giò thủ ngon nhưng có nhược điểm là chỉ thích hợp trong thời tiết lạnh. Trời nắng nóng hoặc nồm, giò rất nhanh hỏng. Vì vậy, khâu bảo quản giò cũng rất quan trọng. Nếu thời tiết lạnh sâu, có thể để cả cây giò chưa ăn ở bên ngoài. Khi cắt ăn dở, cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Riêng đối với trời nóng, sau khi giò được cho vào khuôn để nguội, cần bảo quản ngay trong tủ lạnh.

Mỗi khi lấy giò ra cắt ăn, cần phải bọc lại thật kỹ bằng màng bọc thực phẩm. Vì nếu để hở thì sẽ rất dễ bị vi khuẩn bên trong tủ lạnh xâm nhập, khiến giò nhanh hỏng hơn.

Khi thấy giò thủ có mùi hư hỏng, nhớt không nên tiếc mà cần bỏ ngay vì nếu ăn phải giò bị ôi thiu, để lâu ngày sẽ có nguy cơ bị đau bụng, tiêu chảy, thậm chí là ngộ độc.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách bảo quản thức ăn chín không bị ôi thiu trong ngày Tết

TS.BS.Trương Hồng Sơn – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam hướng dẫn cách bảo quản thức ăn chín để không bị ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm trong ngày Tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Khôi ([Tên nguồn])
Ẩm thực, nhà hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN