Gái thương chồng, nấu canh thiên lý
Dân gian thường có câu “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”. Hoa thiên lý giàu dưỡng chất, có vị ngọt và hương thơm ăn rất ngon miệng. Có lẽ vì vậy mà cả nhà tôi cứ thường thích món canh thiên lý.
Thiên lý có tên khoa học Telosma cordata, là loài thực vật dạng dây leo, được gieo trồng ở nhiều nơi thường được trồng thành giàn, tạo bóng mát. Đặc biệt hoa thiên lý chứa tinh dầu rất thơm. Ở Việt Nam cây hoa thiên lý có mặt ở khắp mọi nơi, còn gọi là dạ lý hương, dạ lài hương. Thiên lý có lá màu xanh lục, có lông tơ khi còn non, phiến lá hình trứng. Hoa mọc thành chùm, lúc nở có màu vàng xanh và thoang thoảng hương thơm về đêm.
Thiên lý trồng làm rau rất nhanh được ăn, chỉ sau 2 tháng chăm sóc là dây ra hoa, mỗi ngày thu hoạch 1 lần. Tuy nhiên thiên lý cũng khá “kén đất” nên phải được trồng trên đất giàu hữu cơ, rất cần nước và ánh nắng. Để cho cây siêng ra hoa, hoa to và đẹp, sau mỗi đợt thu hoạch cần bón bổ sung thêm phân đạm.
Cây hoa thiên lý
Ở quê tôi Miền Đông Nam Bộ hiện nay nhiều nông dân bắt đầu trồng loài hoa này vừa để có rau ăn thường xuyên, vừa có thu hái hoa bán ra thị trường, cho hiệu quả cũng rất khả quan. Thiên lý có thể cho leo trên hàng rào hoặc làm dàn trước hiên nhà cho mát. Thiên lý là loại cây được trồng và ra hoa nhiều nhất vào mùa hè, toả hương thơm dung dị và mộc mạc làm mát dịu cả không gian quanh nhà.
Thiên lý mỗi năm cho hoa 9 tháng, cao điểm từ tháng 3 - 9 âm lịch. Sau khi dây hết hoa, xả giàn, cắt dây, chừa gốc, sau đó tiếp tục vô phân, tưới nước chờ mùa sau cây ra tược mới.
Ngày xưa người ta trồng thiên lý chủ yếu để làm cảnh và làm thuốc, đặc biệt là giúp cho nam giới tăng cường sinh lực và dẻo dai. Nhưng kể từ khi các tay đầu bếp biết khai thác giá trị của loài bông thiên lý thì giá bán lẻ dao động từ 40.000 - 50.000 đ/kg, còn nếu như biết xử lý cho hoa ra nghịch mùa thì giá sẽ tăng gấp đôi.
Bông thiên lý
Hoa thiên lý chứa rất nhiều vitamin E, kẽm và một số khoáng vi lượng khác, là chất thiết yếu cho hoạt động của cơ quan sinh dục của nam giới. Đặc biệt, sự có mặt của chất kẽm còn có thể đẩy chì ra khỏi tinh dịch, hỗ trợ tích cực trong cải thiện tình trạng vô sinh ở nam giới bị nhiễm chì.
Có lẽ vì thế mà từ xưa, ông bà ta đã có câu: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh hoa lý, nấu chè hạt sen”; cho thấy kinh nghiệm dân gian dùng hoa thiên lý làm thuốc trợ dương cho nam giới là có cơ sở khoa học.
Canh thiên lý
Ngoài ra thiên lý còn có tác dụng lợi gan, thanh nhiệt, giải độc, tiểu buốt đái dắt, làm sáng mắt, chữa giun kim, chữa đau mình nhức xương cốt, giúp trị táo bón cho mẹ bầu cũng rất hay, còn là vị thuốc an thần rất tốt để điều trị chứng mất ngủ. Lá non, ngọn và hoa thiên lý đều có công dụng đối với sức khỏe con người, nhiều chất bổ dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất quan trọng giúp trẻ chóng lớn, giúp người già khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng cho người sử dụng.
Trong đông y, hoa thiên lý ghi nhận có vị ngọt, tính bình, giải nhiệt, chống rôm sảy, là vị thuốc an thần, giúp ngủ ngon giấc, khắc phục tình trạng lao lực, tư bổ tâm, thận, bớt đi tiểu đêm, đỡ mệt mỏi đau lưng, chống viêm, sát trùng diệt khuẩn chóng lên da non, được sử dụng trị liệu trong các chứng viêm về mắt, trị giun kim …
Hoa thiên lý nhặt và rửa sạch, để ráo. Phi thơm tỏi với dầu ăn xào hay nấu canh cùng bất cứ thứ gì đều rất ngon miệng và dễ hao cơm. Mùi thơm quyện với vị ngọt của hoa thiên lý sẽ mang đến cho cả nhà một bữa ăn đầy ấn tượng nhờ món ăn ngon và tinh tế.
Nghệ thuật ẩm thực song hành cùng nguyên liệu đặc sắc sẽ tạo nên những cung bậc cảm xúc của khẩu vị trước món ngon bởi sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn của từng món ăn. Khi chế biến các món ăn với hoa thiên lý, lưu ý không xào nấu hoa quá chín, sẽ làm giảm đi chất bổ dưỡng và độ ngon ngọt của nó.
Thiên lý xào thịt bò
Mỗi một vùng miền trên quê hương Việt Nam đều có những món ăn đặc sắc đặc trưng của từng vùng miền đó. Hoa thiên lý là nguyên liệu của nhiều địa phương, được người dân quê nâng nó lên thành hàng đặc sản và tuyệt đối không dùng thuốc BVTV nên về khâu vệ sinh an toàn thực phẩm là rất đảm bảo.
Đa số người dân quê trồng tỉa chủ yếu cải thiện cho bữa ăn càng thêm lý tưởng trong mỗi gia đình, hoa thiên lý dùng nấu canh, xào với thịt ăn rất ngon với người dân quê họ có thể chế biến rất đơn giản và thưởng thức món ăn ngon mang tính đặc trưng của vùng miền, tự tạo cho các món ăn thêm đậm đà hương vị quê nhà.
Còn nhớ những lúc nhà có khách đột xuất đôi khi cũng thật “luýnh quýnh”, thôn quê xa chợ xa đò, lúc ấy bố tôi phải ra vườn giăng lưới đuổi bắt gà, mấy mẹ con tôi bắc ghế hái một rổ đầy hoa thiên lý, đem vào nhặt rửa sạch để ráo nước, mẹ xào chung chỉ với bộ lòng gà, hoa thiên lý thì nhiều mà lòng gà quá “ít ỏi” nên lẫn đâu mất, nhìn vào chỉ thấy toàn màu xanh của rau, thế mà cuối bữa ăn còn dư, lại là những miếng lòng gà ngon mắt …
Ngoài đĩa thịt gà luộc, “cái món” rau xào cây nhà lá vườn thế mà “được việc”, ai ăn cũng tấm tắc nức nở khen ngon, khách khứa vui vẻ hài lòng với món ăn nhà quê nhưng thật đặc biệt. Tuy bữa cơm dân dã nông thôn không có sự chuẩn bị trước, nhưng gia chủ cũng rất tự hào vì đã đãi được khách một mâm cơm bình dân rất ngon miệng nhưng cũng thật sang trọng. Tuy nó không phải là thứ cao lương mỹ vị nhưng chính cái hương vị nồng nàn, quen mà lạ đó sẽ tạo nên một bữa cơm đầm ấm và vui vầy.
Ẩm thực việt từ lâu đã có vô số món ăn ngon được chế biến từ sản vật trên rừng, dưới biển và cả ở vùng đồng quê chiêm trũng. Các yếu tố văn hóa ẩm thực của từng vùng miền góp phần làm nên sự đặc sắc, hấp dẫn của từng món ăn và sau đó là nghệ thuật thưởng thức, để thư giãn và thỏa mãn trong những ngày hè, kỳ nghỉ cuối tuần, lễ, tết… và đã trở thành xu hướng thư giãn của bao cư dân ở nội thành những năm gần đây.
Hiện nay trong thực đơn các quán ăn, nhà hàng, khách sạn các món ẩm thực được chế biến từ hoa thiên lý bằng những cái tên “mềm mại” dân dã như: lẩu mắm hoa lý, hoa lý nấu canh, hoa lý xào tôm, hoa lý luộc, hoa lý làm gỏi, hoa lý làm dưa chua... cũng đủ quyến rũ được nhiều người chọn món, hơn nữa cũng là món khoái khẩu của nhiều người.
Cách chế biến rất bình dị nhưng tuyệt vời ngon, nhờ vị ngọt tự nhiên và cái chất bùi bùi, ngòn ngọt của hoa lý, nhai vào cảm thấy giòn giòn mới cảm nhận hết thế nào là cái “thú vị” của một loại rau.