Đuông dừa ngọ ngoậy nhìn thấy ghê, thử rồi mê
Nhỏ em dâu tôi dân Sài Gòn, xuống bếp thấy đám đuông dừa nằm lúc nhúc trong thau la í ới. Nhưng khi chế biến xong cô ấy bốc lủm lia lịa quên ngại ngùng với khách khứa xung quanh.
Đám tiệc ở quê miền Tây gì chứ cái khoản thức ăn thì…miễn chê!. Lúc nào cũng ê hề mà lại ngon nữa chứ, vì ngoài việc sử dụng các nguồn nguyên liệu tươi rói "cây nhà lá vườn", còn được biến tấu bởi tài nghệ của các "siêu đầu bếp" miệt quê, thử hỏi làm sao mà không ngon chứ.
Cuối tuần rồi chị em tôi về Bến Tre dự thôi nôi cháu nội của dì út. Ngoài chè, xôi và các món ăn từ heo, bò, gà ,vịt, tôm cá như mọi khi, còn có món "siêu hạng" đuông dừa. Mà cũng may lắm mới có nha, gặp đúng lúc cây dừa trong vườn nhà dì bị đuông ăn héo đọt, nên chúng tôi mới được thưởng thức. Danh hiệu món ngon "siêu hạng" đuông dừa, chấp hết các sơn hào hải vị khác là do dân miền Tây tự hào đặt tên.
Bến Tre là vương quốc của dừa. Hàng năm, vào mùa mưa là những con bọ kiến vương chọn những cây dừa sung sức để khoét ngọn chui vào sinh trứng. Trứng nở ra ấu trùng chúng lớn dần lên nhờ ăn cổ hũ dừa, đến khi xuyên thủng ngọn dừa, đọt héo ngã ngang lúc này đuông trong cây dừa rất nhiều.
Chủ vườn đốn cây, bổ thân dừa ra để bắt đuông chế biến món ăn. Mỗi con nằm một lỗ và một cây dừa có hàng trăm con đuông hình dạng giống con sâu non, ứ sữa, mập tròn và mềm nhũn nằm ngọ nguậy.
Những ai chưa quen nhìn con đuông dừa sợ lắm, nhưng với người dân miền Tây thì đây không chỉ là một loài sâu mà là thực phẩm sạch, vì nó chỉ ăn chất béo, mầm non, thứ ngon lành nhất của cổ hũ cây dừa, nên họ xem đuông dừa là một tặng vật của thiên nhiên, một đặc sản mà không phải lúc nào cũng có.
Đuông sau khi bắt ra khỏi đọt dừa, được sơ chế bằng cách ngâm với nước muối mặn để nhả hết chất dơ, rồi dội qua nước cho sạch. Sau đó mới chế biến món ăn.Vì bản thân con đuông đã ngon nên việc chế biến không cần cầu kỳ. Càng đơn giản thì khi thưởng ngoạn mới tận hưởng hết cái thơm ngon thuần khiết của nó.
Cho nên đối với đuông dừa chủ yếu là dùng để cho vào chảo rang mặn với muối, đường, bột ngọt, như cách làm món nhộng tằm hoặc xiên vào que tre đặt lên bếp than hồng nướng vàng, cuốn với rau cải chấm nước mắm me; tẩm bột chiên; rồi hấp xôi; dùng để nấu cháo; luộc nước dừa tươi thậm chí ăn sống…kiểu gì cũng thơm ngon béo ngậy, khiến người thưởng thức ngất ngây...
Nhỏ em dâu tôi dân Sài Gòn, lúc xuống bếp thấy đám đuông dừa nằm lúc nhúc trong thau la í ới, nhưng khi chế biến xong cô ấy bốc lủm lia lịa quên ngại ngùng với khách khứa xung quanh. Dượng Út tôi nói " 1 ký đuông dừa đổi 2 ký thịt bò dượng cũng không đổi.". Vậy mà hôm đó đem ra đãi mấy cháu ở Sài Gòn về, tụi nó vét sạch không chừa một con.
Chắc cũng hơn 20 năm rồi tôi mới được ăn lại món này.
Cảnh những con bạch tuộc vẫn còn ngoe nguẩy trong món ăn của Nhật Bản sẽ khiến không ít người phải rùng mình.