Nồi cơm điện nên thay ngay nếu thấy hiện tượng này, kẻo rước bệnh
Hiểu được đặc tính của nồi cơm điện, bạn sẽ biết cách bảo quản nó tốt hơn và biết khi nào nên thay cái mới.
Sự ra đời của nồi cơm điện đã giúp ích rất nhiều trong việc nấu nướng. Không thể phủ nhận rằng, có những gia đình sử dụng 1 chiếc nồi cơm điện trong suốt cả chục năm. Nhìn chiếc nồi ố vàng, hoen rỉ 1 số chỗ, lòng nồi bị bong tróc, dính đầy cơm cháy nhưng người lớn cứ tiếc của chẳng chịu thay cái mới. Lý do được đưa ra là “vẫn còn xài tốt sao phải mua cái mới”.
Đối với những chiếc nồi cơm điện dùng quá lâu như thế này, một số người thắc mắc liệu nó có gây nguy hiểm gì cho sức khỏe hay gây ung thư không?
Nồi cơm điện có gây nguy cơ ung thư không?
Lý do khiến tin đồn nồi cơm điện gây ung thư xuất hiện là do lớp phủ chống dính bên trong nồi cơm điện. Lớp phủ này gọi là teflon, thành phần chính là polytetrafluoroethylene. Chất này khi phản ứng với nhiệt độ cao sẽ tạo ra axit perfluorooctanoic, hay được gọi là C8.
Năm 2017, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã xếp C8 vào nhóm các chất gây ung thư nhóm 2B.
Không chỉ nồi cơm điện mà chảo chống dính cũng bị đồn thổi gây ung thư, tất cả là do C8.
Khi teflon được phủ vào lòng nồi cơm điện, nó sẽ giúp việc nấu chín đồ ăn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi nấu ở nhiệt độ cao, C8 thực sự đã bay hơi.
Nhưng thực tế có rất ít nồi cơm điện ngày nay tạo ra C8. Các cuộc điều tra có liên quan cho thấy, đây là một chất ổn định, nó chỉ tạo ra các phản ứng hóa học khi nhiệt độ vượt quá 260 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất sản sinh trong quá trình nấu nướng hằng ngày chưa vượt quá 200 độ C. Ngay cả khi có C8, nó cũng không bị giải phóng vào thức ăn.
Hiện nay, công nghệ sản xuất đồ gia dụng có sự đột phá lớn, nếu bạn mua một chiếc nồi cơm điện chính hãng, xịn xò thì hoàn toàn không cần phải lo lắng về vấn đề gây nguy cơ ung thư.
Những nguy cơ sức khỏe có liên quan tới nồi cơm điện
Lớp phủ chống dính trong nồi cơm điện khi bị bong tróc, trầy xước, teflon sẽ hòa trộn vào thức ăn. Tuy nhiên, bạn không cần phải hoảng sợ, vì teflon ở điều kiện bình thường không có độc tính.
Nhưng vấn đề là nếu lớp chống dính này bị trầy xước, hiệu suất chống dính của nồi cơm điện sẽ giảm, gây khó khăn trong việc lau chùi. Nó cũng dễ khiến cho thức ăn bị cháy, lúc này sẽ sản sinh ra chất gây ung thư là acrylamide.
Đồng thời, lớp chống dính bị xước, nó sẽ làm lộ ra hợp kim nhôm trong lòng nồi cơm điện. Nếu tiếp tục nấu cơm trong tình trạng này, nguyên tố nhôm có thể bị hòa tan.
Đặc biệt, trong trường hợp nếu bạn dùng nồi cơm điện để nấu các món canh chua cay, sườn xào chua ngọt, nhôm sẽ dễ bị hòa tan hơn. Khi con người hấp thụ quá nhiều nhôm sẽ ảnh hưởng tới xương và thần kinh.
Nồi cơm điện nên thay mới kịp thời
Thay vì lo lắng quá mức về các tin đồn nồi cơm điện gây ung thư, tốt hơn hết bạn nên giữ gìn nó tốt hơn. Để tránh những nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ của nồi cơm điện, bạn nên chú ý 1 số điều sau:
- Không nên sử dụng thìa kim loại khi xới cơm để không làm xước lớp chống dính.
- Khi cọ rửa không được dùng bùi nhùi thép.
- Nồi cơm điện dùng quá lâu, đáy nồi hay bị cháy, nó không chỉ ảnh hưởng tới mùi vị cơm mà còn không có lợi cho sức khỏe, tốt nhất nên mua cái mới.
- Nên chọn mua những loại có thương hiệu có uy tín, sản phẩm tốt.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo thời gian lớp hóa chất chống dính trên chảo liệu có nhiễm dần vào thức ăn và ảnh hưởng đến sức khỏe? Đó là băn khoăn của không ít bà nội trợ.