Đẹp mắt thế gà bay hóa rồng, phượng trên mâm cúng rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh
Cứ đến ngày rằm tháng Giêng, nhiều dòng họ ở Hà Tĩnh lại làm mâm cúng với những thế "gà bay”, "gà quỳ”... độc đáo để dâng cúng tổ tiên.
Dòng họ có truyền thống tạo hình những thế gà đẹp được biết đến nhiều nhất là dòng họ Đại tôn Lê Quang (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh).
Mâm cúng Rằm tháng Giêng với dàn "phi đội gà bay" là điểm nhấn độc đáo và cũng là truyền thống của những dòng họ này.
Những chú gà trống đẹp được người dân lựa chọn từ nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng trước cho lễ rằm tháng Giêng. Trước Rằm khoảng vài ba ngày, nếu không tự nuôi được gà thì mỗi hộ gia đình trong dòng họ phải mua những chú gà trống hơn 1 năm tuổi, nặng từ 3-4 kg để làm gà tế.
Sau khi chọn được gà đẹp, những người có kinh nghiệm và có bàn tay khéo léo được chọn để tạo nên những chú gà cúng bắt mắt, với đủ loại kiểu dáng như gà chầu, gà quỳ, gà bay...
Mâm cỗ với đa dạng các thế gà vô cùng đẹp mắt. Các thế gà dâng cúng chủ yếu gồm gà bay, gà quỳ, gà nằm, gà đứng mình rùa…
Theo người kinh nghiệm cho biết, khâu cắt tiết, vặt lông phải hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến da gà. Gà luộc xong phải giữ được màu sắc sáng đẹp, mào đứng, thân thẳng mới đạt yêu cầu.
Để tạo được thế gà đứng trên mâm cỗ, ngoài các dụng cụ làm gà thông thường như dao, lưỡi dao cạo thì người làm gà cúng thế bay phải trang bị thêm những chiếc đinh dài, nẹp tre và dây buộc.
Với con gà trống nặng 4-5kg, phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới làm xong công đoạn đầu, sau đó mất gần 1 giờ để luộc và nắn thì con gà cúng hoàn thành.
Với việc luộc gà, kinh nghiệm từ xưa là phải dùng nồi lớn, để lửa đều trong khoảng một tiếng.
Với bàn tay khéo léo, không chỉ gà cúng được tạo hình theo các tư thế mới lạ, con cháu dòng họ còn nghĩ ra những cách bày biện rất độc đáo như gà ngậm hoa, gà đứng trên mình rùa, gà đậu cành đào, cành mai… khiến nhiều người trầm trồ, xuýt xoa.
Đối với các dòng họ lớn ở nơi đây, mâm cỗ cúng thì gà vẫn là hạng mục quan trọng nhất. Để hoàn thành được một con “gà bay” đáp ứng đúng yêu cầu phải mất rất nhiều thời gian và không phải ai cũng làm được.
Những mâm cỗ với thế "gà bay”, "gà quỳ”, "gà cưỡi mình rùa" được bày biện hết sức cầu kỳ, đẹp mắt dâng cúng tổ tiên thể hiện sự tôn kính tổ tiên, uống nước nhớ nguồn, dần tạo nên một nét văn hóa đặc sắc.
Ngoài dòng họ Lê Quang, nhiều dòng họ khác tại Hà Tĩnh cũng tạo nhiều dáng gà cúng lạ mắt trong ngày rằm tháng Giêng. Việc tạo ra những dáng gà độc đáo, công phu còn thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu dâng lên tổ tiên vào dịp đầu năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo quan niệm của người Việt Nam "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng". Vì vậy, để đảm bảo sự thành tâm khi cúng rằm tháng Giêng là điều được mọi...