Đặc sản Tây Bắc tưởng chỉ có trong truyện, trời càng lạnh ăn càng ngọt, ngon
Không chỉ gây ấn tượng về tên gọi, loại rau đặc sản ở Tây Bắc còn được ưa chuộng vì giòn, ngọt, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Nhắc tới rau mầm đá, nhiều người vẫn ngỡ đó là một loại rau không có thật, cho rằng chỉ xuất hiện trong truyện dân gian Trạng Quỳnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, mầm đá là tên thường gọi của một loại rau cải có hình thù khá kỳ lạ, được trồng nhiều ở một số tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc như Cao Bằng, Hà Giang… nhưng phổ biến nhất là ở Sa Pa (Lào Cai).
Rau mầm đá có nhiều nhánh nhỏ mọc tua tủa xung quanh thân, tạo thành hình tháp nhọn. Ảnh: Phương Võ
Sở dĩ có tên gọi lạ tai như vậy là bởi loại rau này có phần bẹ to và nhiều mầm non mọc tua tủa xung quanh, gợi liên tưởng đến hình ảnh những hòn đá nằm san sát xếp chồng lên nhau đang mọc mầm.
Chị Huyền Trang – chủ một nhà hàng ở Sa Pa cho biết, mầm đá thường sinh trưởng mạnh vào mùa lạnh, khoảng từ tháng 10 đến hết tháng 3 âm lịch. Đặc biệt, vào mùa đông, khi thời tiết lạnh giá hơn thì rau mầm đá càng giòn và có vị ngọt, ngon.
Vài năm trở lại đây, rau mầm đá được nhiều người biết đến hơn, trở thành đặc sản nức tiếng ở Sa Pa, hấp dẫn khách Tây, ta thưởng thức.
Rau mầm đá được ví như đặc sản “hiếm có khó tìm” vì mỗi năm chỉ có một mùa và phát triển ở những vùng có khí hậu lạnh. Ảnh: Ẩm thực Việt
“Nếu mua ở Sa Pa, rau mầm đá có giá khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Nhưng khi được vận chuyển xuống dưới miền xuôi, loại rau này có thể được bán với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg”, chị Trang nói.
Giống như nhiều loại cải khác, rau mầm đá cũng được chế biến thành nhiều món ăn ngon, phổ biến nhất là mầm đá luộc chấm mắm (hoặc xì dầu) dầm trứng.
Món này tuy thanh đạm nhưng rất đưa cơm, ăn nhiều cũng không ngán. Những thực khách từng thưởng thức mầm đá luộc nhận xét, loại rau này khá giòn, có vị ngọt thanh tự nhiên, xen lẫn chút đắng ngai ngái.
Món mầm đá luộc và mầm đá xào. Ảnh: An An
Ngoài cách đơn giản là luộc, người ta còn biến tấu mầm đá thành món xào hoặc muối chua.
Mầm đá có thể xào cùng thịt bò, thịt lợn hoặc xào không với tỏi đều ngon. Khi xào, cần chú ý để lửa to và chỉ xào chín tới để mầm đá giữ được độ giòn và ngọt. Tránh việc xào kỹ quá làm cho rau bị mềm nhũn, giảm độ ngon.
Mầm đá muối chua. Ảnh: Lăng Việt Cường
Nếu muối chua, người ta sơ chế và muối mầm đá tương tự như với rau cải bẹ. Hoặc cầu kỳ hơn là muối cay giống kim chi hoặc muối chua ngọt.
Với cách làm này, mầm đá sẽ được bổ làm đôi hoặc cắt thành các khúc nhỏ vừa ăn, sau đó đem phơi nắng cho héo bớt rồi mới muối và nêm nếm gia vị, nguyên liệu tùy ý.
Mầm đá muối khoảng 3-4 ngày, màu ngả vàng và dậy mùi thơm, vị chua là có thể ăn được. Món này có thể ăn trực tiếp như dưa, cà muối hoặc thái ra xào thịt, đem kho cá, nấu canh chua… đều ngon.
Lúc mới hái xong, rau có mùi khó ngửi khá mạnh, đứng cách xa vài chục mét vẫn thấy nhưng khi chế biến làm thức ăn lại trở thành đặc sản lạ miệng, giòn...
Nguồn: [Link nguồn]
-28/03/2025 06:00 AM (GMT+7)