Đặc sản Hà Giang mùa tam giác mạch làm mê lòng du khách
Thắng cố, bánh tam giác mạch, bánh cuốn hay thịt trâu gác bếp là những món ăn khiến du khách mê đắm ở vùng đất cao nguyên đá Hà Giang.
Đến Hà Giang vào mùa tam giác mạch, du khách không chỉ say đắm bởi cảnh đẹp mà còn bị thu hút bởi rất nhiều đặc sản thơm ngon và độc đáo.
Bánh tam giác mạch
Thời điểm này, cao nguyên đá Hà Giang tràn ngập sắc tím hồng của tam giác mạch. Tới đây vào đúng mùa tam giác mạch, bạn còn có cơ hội được nếm cả một mùa tím hồng mê mải ấy với bánh tam giác mạch. Bánh được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía.
Bánh mềm xốp, cần nhấm nháp thật chậm để cảm nhận vị ngọt thanh thanh lan tỏa. Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi, phảng phất chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Bánh tam giác mạch dân dã nơi cao nguyên đá. Ảnh: I.T
Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn giá 10.000 đồng. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.
Thịt trâu gác bếp
Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu, và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.
Người ta thường chọn những phần thịt trâu ngon rồi xẻ dọc theo thớ thịt thành những miếng dài kiểu con chì, hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Thịt được ướp muối và gừng, ớt, tiêu rừng. Sau đó, thịt mắc trên giàn bếp, hun khói từ củi cây rừng. Gác bếp suốt hai tháng, khối thịt trâu ám khói đen và khô lại, thấm hết gia vị vào trong. Trên bề mặt vẫn còn những hạt tiêu rừng, miếng ớt, miếng gừng…
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn tráng trên bếp được đập thêm trứng rồi dùng chính lớp bánh gói lại. Khi ăn kèm với một bát nước chấm nóng hổi thả giò trắng thơm ngon vào. Ngồi ngay cạnh người làm bánh, sẽ thấy đôi tay họ nhanh thoăn thoắt đổ bột láng lên nền vải rồi đậy vung. Bạn có thể tìm đến các quán ở đường Lý Tự Trọng (TP.Hà Giang) hoặc chợ Đồng Văn, khu phố cổ Đồng Văn với giá 25.000 đồng một phần.
Đến với Hà Giang bạn còn được thưởng thức món bánh cuốn trứng nóng hổi trên bếp. Ảnh: Ngô Huy Hòa.
Thắng cố
Sẽ là thiếu sót nếu lên Hà Giang mà chưa thưởng thức thắng cố. Đến chợ Đồng Văn, uống rượu ngô, ăn thắng cố lâu nay đã thành kinh nghiệm truyền miệng của rất đông du khách.
Thắng cố - món ăn được nhiều du khách tìm khi tới Hà Giang. Ảnh:Dulichhagiang.vn.
Thắng cố chuẩn phải làm từ nội tạng ngựa hoặc bò, luôn nóng bỏng khi được múc ra bát, thực khách vừa ăn vừa thổi. Bên ngoài có thêm muối hoặc bột canh, khi ăn mới chấm cho vừa miệng mỗi người. Mùi thơm của thảo quả, hạt dổi và củ sả, ớt, tiêu quyện với vị béo ngậy của thịt làm ấm lại không gian giữa tiết trời se lạnh. Bạn có thể ăn thắng cố ở các chợ phiên thuộc Đồng Văn, Mèo Vạc, Lũng Cú… với giá khoảng 20.000 đồng một bát.
Cháo ấu tẩu
Giữa thị trấn hun hút gió mùa đông mà được ngồi bên bếp lửa ăn bát cháo ấu tẩu, thật không có gì ấm áp và thú vị bằng.
Cháo ấu tẩu ở Hà Giang được làm từ nguyên liệu là củ ấu tẩu (còn có tên gọi ô đầu, phụ tử), một loại củ có chất độc thường mọc trên đá vùng đồi núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong, song lại là một vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh. Qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc, củ ấu tẩu trở thành một món ăn rất tốt cho sức khỏe.
Cháo ấu tẩu được bán ở gần Quảng trường TP.Hà Giang, chợ Đồng Văn… Ảnh: I.T
Cháo được nấu từ nếp tẻ thơm, củ ấu tẩu, nước hầm chân giò, khi ăn rắc thêm các loại rau thơm và chút thịt nạc băm nhỏ. Cháo có vị đắng nên còn được gọi là cháo đắng. Giữa đêm lạnh, ngồi ăn từng thìa cháo đắng bên cạnh bếp lửa bập bùng, cũng là một cách khám phá thêm về văn hóa ẩm thực của mảnh đất Hà Giang.
Thắng dền
Thắng dền gần giống như bánh trôi tàu ở Hà Nội, được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đậu đỗ. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì vớt ra. Thắng dền ăn cùng bát nước dùng pha từ đường, cốt dừa và gừng, có thể rắc thêm vừng hoặc lạc, ăn ngon nhất khi vừa vớt ra, khói bay nghi ngút.
Bát thắng dền nóng hổi, thơm ngon ăn một lần nhớ mãi. Ảnh: Quế Lan
Cơm lam Bắc Mê
Đây là món ăn nổi tiếng ở vùng đất này, những ai tới Hà Giang mà không được thưởng thức món ăn này thì quả thật rất đáng tiếc. Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện, lại vừa được bảo quản tốt, không bị thiu.
Cơm lam ngon dẻo, vị thơm quyện cùng mùi lá dong, lá chuối nướng hấp dẫn. Ai thích thì có thể ăn cơm lam chay, không thì thông thường người ta hay ăn cùng muối lạc, muối vừng và thức ăn hấp dẫn khác như cá suối nướng, làm món ăn thơm và bùi hơn.
Cơm lam Bắc mê thơm ngọt. Ảnh: Hagiangonline
Các món ăn xuất phát thời kỳ gian khó đã từng nuôi sống nhiều thế hệ cha anh khôn lớn, giờ một số món lại trở thành...