Cũng được làm từ nguyên liệu truyền thống, nhưng các loại bánh chưng ngày Tết này lại vô cùng độc lạ
Ngày Tết, bánh chưng không thể thiếu trong mâm cỗ. Cũng với những nguyên liệu truyền thống như gạo, thịt, lá dong… các loại bánh chưng này lại vô cùng độc đáo khi có thêm vào nguyên liệu khác lạ.
Bánh chưng ngũ sắc
Bánh chưng ngũ sắc những năm gần đây ngày càng được nhiều người biết đến. Bánh chưng ngũ sắc với 5 màu vàng – xanh – tím – đỏ - trắng tượng trưng cho ngũ hành kim - mộc - thuỷ - hoả - thổ. Bánh có ý nghĩa mang đến sự may mắn, bình an cho năm mới. Không chỉ độc đáo ở màu sắc, bánh còn có vị thơm, có sự hòa quyện của 5 vị khác nhau.
Theo chị Nguyễn Thị Xuân – một người làm bánh chưng ngũ sắc cho biết, để có được bánh chưng ngũ sắc tươi ngon đòi hỏi phải chọn được nguyên liệu ngon. Gạo cần chọn loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt to, mẩy và dẻo. Cầu kỳ nhất chính là việc tạo màu cho vỏ bánh.
Bánh vẫn được làm từ các nguyên liệu truyền thống như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong… nhưng để tạo được màu sắc, gạo được nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên. Chẳng hạn, màu đỏ lấy từ gấc, màu xanh từ hoa đậu biếc, màu tím lấy từ lá nếp cẩm…
Để làm được bánh, đòi hỏi người làm cần tỉ mỉ sao cho các màu sắc của gạo không bị lẫn vào với nhau khi gói. Vì vậy, thường sẽ dùng khuôn chia 5 ngăn để chia gạo vào từng khuôn, mỗi khuôn tương ứng với một màu bánh. Sau công đoạn gói, bánh sẽ đem luộc, khi chín cần được ép kỹ. Để bánh dẻo, để được lâu mà không ‘lại gạo’ cần luộc đủ thời gian khoảng 8 – 10 tiếng.
Bánh chưng đen
Đây là một trong những loại bánh chưng độc đáo ngày Tết. Bánh chưng đen là đặc sản mà người Tày ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn mừng năm mới. Loại bánh này được người dân gói dài chứ không gói vuông như loại thông thường.
Ảnh DV
Để chiếc bánh chưng đen ngon, người Tày cũng rất cầu kỳ trong việc lựa chọn nguyên liệu. Gạo là loại gạo nếp trồng ở nương cao, đỗ xanh bóc vỏ và dùng tro đen đốt từ thân cây núc nác hoặc rơm nếp. Gạo sau khi đãi sạch được trộn với tro đen. Gạo, đỗ được thêm gia vị, sau đó đem gói với nhân là thịt heo ba chỉ; còn lá gói vẫn là lá dong quen thuộc.
Loại bánh chưng đen này ngày nay được nhiều người biết đến và đặt về dưới xuôi. Bánh này, người Tày có truyền thống dùng để thờ cúng ông bà, tổ tiên và dùng để thiết đãi khách ngày Tết.
Bánh chưng thảo dược
Vào mỗi dịp lễ Tết, người Mường ở huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lại tất bật làm loại bánh chưng thảo dược. Món bánh chưng này đã được truyền từ nhiều thế hệ, đến nay vẫn được người dân nơi đây giữ nguyên nét truyền thống. Bánh chưng thảo dược không chỉ người dân ở đây mà giờ đã được nhiều người du khách, người dân vùng khác biết tới.
Nguyên liệu để làm bánh chưng thảo dược được người Mường chọn lựa kỹ càng gồm gạo nếp Mỹ Lung, lá dong, đỗ anh, thịt ướp với gia vị và hạt tiêu. Điều đặc biệt là để tạo màu đen của bánh, người dân sẽ dùng lá gai, lá cầm, lá gùn… ở trên rừng phơi lên. Sau đó sẽ đem đi đốt, giã mịn thành bột hòa vào nước trộn lẫn với gạo nếp rồi đảo đều cho tới khi các nguyên liệu hòa quện thành màu đen. Bánh chưng thảo dược có hương vị rất thơm, dễ ăn, không bị chán.
Bánh chưng gấc đỏ
Bánh chưng gấc đỏ với màu sắc đỏ có ý nghĩa mang lại điều may mắn, phú quý, phát tài cũng là loại bánh được nhiều người mua trong ngày Tết này. Bánh thay vì được gói như thông thường, phần gạo sẽ được trộn với gấc tươi để tạo màu. Còn các nguyên liệu khác vẫn giữ nguyên như bánh chưng truyền thống như đỗ xanh, thịt lợn…
Bánh chưng gấc đỏ có vị ngọt, ngậy từ gấc kết hợp với vị thơm dẻo từ đậu xanh, thịt lợn, gạo… tạo nên hương vị bánh rất riêng.
Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nức tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống. Những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon là địa chỉ quen thuộc không chỉ của người dân Hà Nội mà nhiều khách phương xa.
Nguồn: [Link nguồn]