Còn mê rau nướng sau vườn
Nước rau nướng màu xanh lam tỏa khói la đà, phảng phất hương nhựa tre tươi.
Bữa cơm thiếu rau như người đau thiếu thuốc. Rau luộc, rau hấp đã mát mắt, ấm lòng rồi. Còn rau nướng thì sao?
Nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi nghe nói đến cụm từ rau nướng. Họ không tin có chuyện, đem thui rau trên bếp than nóng hừng hực mà vẫn còn mọng nước.
Có người mới nhìn ống đựng rau, đã đoán ngay đó là ... cơm lam. Thoát trông, ống tre cũng bị cháy xém. Thêm một chiếc khăn rằn “choàng cổ” nó, cho điệu đà!
Ngon từng ngụm - nước rau nướng
Nước rau màu xanh lam, tỏa khói la đà, thoảng mùi hăng nhẹ và phảng phất hương nhựa tre tươi. Giầm thêm trái ớt chim xanh vào chén nước nhỏ xíu. Vừa thổi vừa húp từng ngụm nhỏ. Nghe ngòn ngọt, cay cay, thơm thơm lẫn đăng đắng nhưng hậu vị rất thanh. Xong hiệp 1 (húp nước rau) người sảng khoái lạ.
Tiếp tục vung đũa vào hiệp 2, “tiêu diệt” mớ rau tập tàng nướng: rau má, rau đắng, khổ qua non bào, bông so đũa... nằm phơi phới cạnh nồi kho quẹt hoặc chén mắm cái mời gọi. Vị rau ngọt lạ, nên thiếu cơm lúc nào không hay.
Nếu là rau, em xin làm rau nướng!
Theo Đông y, những rau cỏ (ăn được) chủ vị đắng thanh vừa kể đều trợ gan, giúp gan giải độc cho cơ thể.
Đồng thời theo sách y thực (ăn thay thuốc) Nguyễn Phúc Tộc Dược Minh Y Kính, dịch từ ống tre non nướng gọi là “trúc liêu giao”. Chất thuốc trời cho này, xưa được các thầy thuốc vương triều Nguyễn dùng trong gia vị ăn uống, hương liệu xông và bào chế mỹ phẩm. Nó giúp hỗ trợ đường tiêu hóa, khỏe thận, đẹp da.
Thật ra, đây cũng là món cách điệu từ canh thụt của đồng bào Tây Nguyên. Lúc đi rừng, họ thường mang theo nhúm muối hột, cái rựa trong gùi. Lao động vất vả cả buổi, khi nghe “kiến bò trong bụng” (đói), họ đào vài ba củ khoai mài hoặc củ nần, chặt dăm ba đọt mây ngọt và đắng, hái nắm lá bép, bứt mươi lá ớt rừng cùng mấy trái chín hườm... Nhét (thụt) tất cả vào ống tre lồ ô tươi, hứng thêm tí nước suối, thả hạt muối vào, rồi dùng lá chuối rừng bịt kín miệng. Nướng lên. Có ngay bữa ăn ngon lành!